Giới thiệu chung

KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN, GIÁO DỤC QUẢNG NGÃI

VỮNG BƯỚC ĐI LÊN

Quảng Ngãi là một trong những tỉnh vùng duyên hải miền Trung, được Chính phủ quyết định chọn là địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để đầu tư xây dựng. Là quê hương luôn chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai nên người dân thường xuyên gặp nhiều khốn khó; là quê hương của mảnh đất anh hùng, nơi đây cũng chịu nhiều mất mát, hy sinh qua hai cuộc chiến tranh chống xâm lược.

Trong những năm đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta ở Nam bộ, người con ưu tú của Quảng Ngãi là Trương Định được nhân dân phong tặng là Bình Tây đại nguyên soái đã phất cao cờ nghĩa cùng nhân dân chống quân xâm lược, tạo nên những chiến tích hào hùng, oanh liệt. Trong hai cuộc kháng chiến cứu quốc, Quảng Ngãi là quê hương của khởi nghĩa Ba Tơ anh hùng, của Trà Bồng quật khởi, là quê hương của biết bao chiến thắng ngoan cường của Ba Gia, Vạn Tường…. Và cũng chính nơi đây nhà thơ, nhà văn hoá, nhà chí sĩ yêu nước và Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Huỳnh Thúc Kháng đã chọn làm nơi yên nghỉ nghìn thu.

Trong kháng chiến chống Pháp, là một tỉnh trong vùng tự do của khu V, giáo dục Quảng Ngãi phát triển mạnh mẽ với cao trào bình dân học vụ, phổ cập giáo dục các cấp; có 02 trường trung học được nhiều người khen ngợi là những nơi đào tạo nhân tài cho Liên khu V, đó là Trường Trung học Lê Khiết và Trường Trung học Bình dân miền Nam Trung bộ. Học sinh của hai trường sau này đã trở thành các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhà khoa học, nghệ sĩ, tướng lĩnh,…

Trong kháng chiến chống Mỹ, Quảng Ngãi là một trong những chiến trường ác liệt nhất của miền Nam; nhưng, ở vùng giải phóng, giáo dục vẫn phát triển để trở thành nền tảng cho sự nghiệp đào tạo con người và là điều kiện để tiếp thu toàn bộ hệ thống giáo dục vùng tạm chiếm sau ngày giải phóng 24-03-1975.

Vùng đất này đã sinh ra cho đất nước nhiều người con ưu tú, văn võ song toàn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là quê hương của những con người sáng tạo, hình ảnh bờ xe nước tắm mát ruộng đồng bên sông Trà luôn là nỗi nhớ không nguôi đối với người dân xa xứ; là quê hương của những người lao động cần cù, chân chất, nơi có Hồ Giáo với những công việc lặng lẽ nhưng đã 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Quảng Ngãi, cũng là một vùng đất của truyền thống hiếu học. Với những tài liệu hiện có, qua kết quả nghiên cứu; trong 100 năm – từ 1819 đến 1918 – Quảng Ngãi đã có 139 nhà khoa bảng Nho học. Nhiều người đã đóng góp lớn trong lịch sử nước nhà như Trương Đăng Quế, đỗ hương tiến năm 1819 làm quan đến Cần chánh Điện học sĩ. Có người đã đỗ đại khoa như Nguyễn Bá Nghi với học vị Phó bảng, làm quan đến Cơ mật đại thần đã được chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng thán phục về tài học.

Kinh tế Quảng Ngãi dù có nhiều khả năng tiềm ẩn song chưa khai thác hết nên một thời gian dài là một trong những tỉnh khó khăn của cả nước. Tuy vậy, người dân Quảng Ngãi có quyền tự hào, vì chính ở nơi đây, hệ thống giáo dục từng bước được hoàn thiện, hệ thống trường, lớp đã có mặt tại khắp nơi trên Quảng Ngãi, kể cả những vùng xa xôi, khó khăn nhất.

 

I. Giáo dục Quảng Ngãi sau ngày giải phóng:

Ngày 24 tháng 3 năm 1975, Quảng Ngãi đã được giải phóng. Cùng với việc củng cố, xây dựng chính quyền Cách mạng, ổn định đời sống nhân dân, công tác giáo dục đã được chú trọng đúng mức.

Không đầy 2 tuần sau ngày giải phóng, các trường học trong toàn tỉnh đã được ổn định và tổ chức cho con em đến trường. Các hoạt động giáo dục đã trở lại hoạt động bình thường: ngày 05 tháng 4 đối với các trường cấp 1, cấp 2; ngày 10 tháng 4 đối với các trường cấp 3.

Sau ngày giải phóng, năm học 1974-1975; Ty Giáo dục tỉnh Quảng Ngãi được thành lập và trực tiếp chỉ đạo các hoạt động giáo dục- đào tạo của tỉnh nhà. Dưới sự chỉ đạo của Ty Giáo dục, các kỳ thi tốt nghiệp cấp 2, cấp 3 được tổ chức thành công theo chương trình, nội dung học thống nhất.

Năm học đầu tiên sau ngày giải phóng, toàn tỉnh Quảng Ngãi có số lượng học sinh phổ thông là 2.237 lớp với 85.116 em; trong đó:

– Cấp 1: 1.913 lớp, 69.634 em

– Cấp 2, 3: 324 lớp, 15.482 em .

Bên cạnh loại hình giáo dục phổ thông, các loại hình giáo dục khác vẫn tiếp tục được duy trì. Ngành đã chỉ đạo tiếp tục tổ chức các lớp bổ túc văn hoá tại thôn, xã với 2.252 học viên; bổ túc văn hoá tỉnh, huyện với 435 học viên; phổ thông nội trú tỉnh 70 học sinh; trường dạy nghề 19/5 với 70 học sinh. Hai trường sư phạm của tỉnh tiếp tục được ổn định với 118 giáo sinh.

Cuộc sống sau ngày đất nước thống nhất còn nhiều khó khăn, gian khổ, song, đội ngũ những người làm công tác giáo dục đã bám trường, bám lớp, đem tất cả nhiệt tình phục vụ giảng dạy, học tập.

 

II. Giáo dục Quảng Ngãi thời kỳ sáp nhập tỉnh:

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định sáp nhập thành tỉnh Nghĩa Bình vào năm 1977.

Sau ngày sáp nhập tỉnh, cùng với công tác giáo dục phổ thông tiếp tục được mở rộng về qui mô, hệ thống và chất lượng, công tác chống mù chữ- tổ chức bổ túc văn hoá cho các tầng lớp nhân dân đã được ngành giáo dục các cấp đặc biệt lưu tâm. Với hệ thống tổ chức chặt chẽ, đánh giá đúng qui trình, ngày 30 tháng 4 năm 1977, tỉnh Nghĩa Bình đã cơ bản hoàn thành xoá nạn mù chữ.

Nghĩa Bình là 1 trong 2 tỉnh của miền Nam sau ngày đất nước thống nhất hoàn thành công tác chống mù chữ, đó cũng là thành tích ban đầu quan trọng để công tác giáo dục- đào tạo Quảng Ngãi liên tục phát triển lên tầm cao mới sau ngày tái lập tỉnh….

 

III. Giáo dục Quảng Ngãi sau ngày tái lập tỉnh 1989 đến năm 2009:

1. Thực trạng giáo dục Quảng Ngãi sau ngày tái lập tỉnh:

Do nhiều nguyên nhân, giáo dục Quảng Ngãi trong năm học đầu tiên tái lập tỉnh đã gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Đội ngũ giáo viên đã thiếu về con người lại yếu về chuyên môn, tình trạng xin nghỉ việc đối với giáo viên là phổ biến. Học sinh bỏ học ở tất cả các cấp học chiếm tỷ lệ cao…… Những nguyên nhân đó đã ảnh hưởng lớn đến lòng tin của nhân dân, ảnh hưởng đến việc nâng cao dân trí cho các tầng lớp trong xã hội.

Giáo dục Quảng Ngãi năm đầu tái lập tỉnh Quảng Ngãi có:

– 229 trường phổ thông cơ sở (cấp 1-2), trong đó:

+ 88 trường phổ thông cơ sở chỉ có cấp 1;

+ 50 trường phổ thông cơ sở chỉ có cấp 2;

+ 91 trường phổ thông cơ sở có cả cấp 1 và cấp 2.

– 19 trường phổ thông trung học, trong đó có 4 trường có dạy cấp 2 và cấp 3 với 9.384 học sinh.

– 4 trường bổ túc văn hoá tập trung tại các huyện miền núi dạy cấp 1, cấp 2 ( chủ yếu dành cho đồng bào dân tộc ít người với 212/ 235 học viên). Phong trào bổ túc văn hoá tại các huyện đồng bằng hầu như không có.

– Có 01 Trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp- Hướng nghiệp dạy nghề của tỉnh.

– Có 04 trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; riêng 2 trường Cao đẳng sư phạm và Trung học sư phạm do Sở Giáo dục trực tiếp quản lý với số học sinh theo học là 1725 ( sinh viên, giáo sinh Quảng Ngãi theo học tại 2 trường này là 928 người).

Số lượng cán bộ quản lý và giáo viên có:

– 303 cô nuôi dạy trẻ, trong đó có 127 người chưa qua đào tạo (chiếm tỷ lệ 41,9%);

– 1.052 giáo viên mẫu giáo, trong đó có 414 người chưa qua đào tạo (chiếm tỷ lệ 39,4%);

– 4.065 giáo viên tiểu học, trong đó có 1.001 người chưa qua đào tạo(chiếm tỷ lệ 24,6%);

– 2.827 giáo viên cấp 2, trong đó có 170 người chưa qua đào tạo hoặc giáo viên cấp 1 dạy kê cấp 2 (chiếm tỷ lệ 6,01%);

Trong lúc điều kiện giáo viên thiếu gay gắt, tình trạng giáo viên xin nghỉ việc 1 lần hoặc bỏ việc lại chiếm số lượng lớn (377 người, chiếm tỷ lệ 4,57% giáo viên toàn ngành).

Do điều kiện cơ sở vật chất, hoàn cảnh gia đình, số học sinh bỏ học lên số kỷ lục: 12.279 em; riêng học sinh trung học cơ sở bỏ học 7.233 em. Tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp qua các kỳ thi đạt tỷ lệ thấp: cấp 1 có 81,6%; cấp 2: 70,8%; cấp 3: 66,7% được công nhận tốt nghiệp vào cuối năm học 1989-1990.

2. Giáo dục Quảng Ngãi hiện nay

a) Hệ thống trường, lớp:

Đến nay, hệ thống giáo dục trong tỉnh đã cơ bản đều khắp với 197 trường mầm non, mẫu giáo, 238 trường tiểu học, 165 trường trung học cơ sở (06 huyện miền núi đều có trường Trung học cơ sở dân tộc nội trú), 37 trường trung học phổ thông (hệ công lập: hiện có 28 trường, trong đó có 25 trường trung học phổ thông, 02 trường chuyên biệt: Trường chuyên Lê Khiết và trường Trung học Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, ngoài công lập: 9 trường gồm 6 trường trung học phổ thông bán công, 1 trường dân lập, 2 trường tư thục).

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn có 2 trường đại học, 2 trường cao đẳng, nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương…..

Đến nay, Quảng Ngãi đã có 10 trường mầm non, 90 trường tiểu học, 49 trường trung học cơ sở, 8 trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

Chất lượng giáo dục tất cả các ngành học, cấp học luôn được giữ vững. Tỷ lệ cháu suy dinh dưỡng thấp so với bình quân chung trong cả nước. Phong trào thi giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi các cấp luôn được duy trì và luôn đạt kết quả cao. Bình quân hàng năm có 30% học sinh trung học phổ thông thi và đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước…. Quảng Ngãi đã được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở thời điểm tháng 12/2008.

b) Số lượng giáo viên và năng lực đội ngũ:

Tổng biên chế lao động toàn ngành hiện có 16.574 người.

Tính đến nay giáo viên (GV) đã đạt chuẩn trở lên: mầm non: 98,89%; tiểu học: 99,84%; trung học cơ sở: 99,56%. trung học phổ thông: 99,55%, trong đó:

– Mầm non có: 2.034, trong đó:

+ Biên chế: 829;

+ GV bán công ngoài biên chế: 1.132;

+ Hợp đồng (HĐ) lao động: 59.

– Tiểu học: 5.766, trong đó:

+ Biên chế: 5.407;

+ HĐ lao động: 359.

– Trung học cơ sở có 5.964, trong đó:

+ Biên chế: 5.585;

+ HĐ lao động: 379.

– Trung học phổ thông có 2.363, trong đó:

+ Biên chế: 2.284;

+ HĐ lao động: 79.

(Số lượng trong biên chế có tính cả cán bộ, giáo viên tại các trường bán công, dân lập và tư thục).

– Giáo dục thường xuyên có 76, trong đó:

+ Biên chế: 68;

+ HĐ lao động: 08.

– Kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp có 69, trong đó:

+ Biên chế: 59;

+ HĐ lao động: 10.

– Trường Giáo dục trẻ khuyết tật có 20, trong đó:

+ Biên chế: 17;

+ HĐ lao động: 03.

– Cơ quan Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo có 55, trong đó:

+ Biên chế: 50;

+ HĐ lao động: 05.

– Cơ quan các Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố có 227 người, trong đó: biên chế: 214, HĐ lao động: 13.

Đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa cho giáo viên phổ thông là một trong những nhiệm vụ trung tâm được Sở quan tâm, chỉ đạo. Các đơn vị tăng cường, coi trọng việc bồi dưỡng chuẩn hóa và đào tạo trên chuẩn về chuyên môn cho giáo viên bằng nhiều hình thức học tập. Đã có hàng nghìn giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tốt nghiệp đại học và sau đại học với các phương thức đào tạo linh hoạt này.

Công tác xây dựng, phát triển Đảng đã được các đơn vị chú trọng. Được sự giúp đỡ của các chi, đảng bộ cùng với sự phấn đấu tích cực của cá nhân, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên đã được xét kết nạp vào Đảng. Tổng số đảng viên tại các đơn vị giáo dục là 4.980 người chiếm tỷ lệ 30% biên chế toàn ngành.

3. Giáo dục Quảng Ngãi hướng đến tương lai:

Trước những thời cơ, vận hội mới của tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung, hơn lúc nào hết, ngành giáo dục và đào tạo phải tự vượt qua chính mình để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời đại.

Sở Giáo dục và Đào tạo quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về giáo dục đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh XVII về giáo dục, đồng thời, chuẩn bị tất cả các điều kiện để thực hiện thắng lợi các nội dung về giáo dục đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 61/2008/QĐ-TTg ngày 09 tháng 05 năm 2008 về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội dải ven biển miền Trung Việt Nam đến năm 2020 “Mở rộng qui mô, nâng cao tỷ lệ tiếp nhận vào hệ giáo dục mẫu giáo đối với nhóm trẻ 5 tuổi lên 80-85% năm 2010 và trên 95% năm 2020. Đến năm 2015 có 50% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia và đến năm 2020 về cơ bản tất cả các trường tiểu học trong Vùng đều đạt chuẩn quốc gia. Năm 2010 hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Mở rộng giáo dục hướng nghiệp, đảm bảo trên 90% học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông được tham gia các chương trình, hoạt động hướng nghiệp.

Tiếp tục mở rộng quy mô tuyển sinh, đào tạo để đến năm 2010 có khoảng 10-12% và đến năm 2020 có khoảng 35-40% thanh niên nhóm tuổi 18-24 được học tập ở bậc đại học.”

 

IV. Kết luận:

Cùng với sự phát triển của đất nước, trong 60 năm phát triển của mình, ngành giáo dục- đào tạo Quảng Ngãi luôn được Đảng, chính quyền, Mặt trận TQVN và các cấp lãnh đạo quan tâm, theo dõi sâu sát, trực tiếp, chặt chẽ thông qua đường lối, chủ trương sát hợp với từng thời điểm lịch sử và phù hợp với từng vùng, miền; toàn ngành đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Đảng, Chính phủ để phục vụ nhân dân, đáp ứng được yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực phục vụ cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc.

Trong bất kỳ thời điểm nào, kể cả ở những giai đoạn cam go nhất của lịch sử, ngành giáo dục và đào tạo Quảng Ngãi luôn được sự lãnh đạo của Đảng, là bộ phận hữu cơ, gắn bó mật thiết với sự nghiệp đấu tranh giải phóng, dựng xây đất nước nói chung và của Quảng Ngãi nói riêng.

Giáo dục Quảng Ngãi luôn được nhân dân che chở, đùm bọc. Với mục tiêu cao cả là phục vụ nhân dân, vì vậy nhân dân đã không tiếc công sức, vật lực đóng góp để giáo dục tỉnh nhà phát triển được như ngày hôm nay. Những người làm công tác giáo dục- đào tạo Quảng Ngãi luôn tự hào vì chính họ đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo con em Quảng Ngãi trở thành nguồn lực quan trọng trong công cuộc kháng chiến cũng như kiến tạo quê hương, đất nước.

Giáo dục – đào tạo Quảng Ngãi xứng đáng với lòng tin yêu của lãnh đạo đảng, chính quyền, của nhân dân không chỉ trong quá khứ mà trong cả hiện tại và tương lai./.