Làm việc với Đoàn giám sát việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới

Lượt xem:


Sáng ngày 11/1, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do Trưởng ban Văn hóa – Xã hội Phan Đặng Nhân Ái làm Trưởng đoàn đã có buổi giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi.

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Ngọc Thái tiếp và làm việc với Đoàn; cùng dự buổi giám sát có Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vũ Thị Liên Hương, đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh và các Phòng chức năng thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.

(Ảnh: Đ/c Nguyễn Ngọc Thái, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn giám sát)

Qua báo cáo, làm việc với Đoàn, thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp các sở, ngành liên quan dự thảo Nghị quyết tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết Quy định nội dung và mức chi cho hoạt động lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 145/KH-UBND về tổ chức biên soạn và triển khai nội dung giáo dục của địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đảm bảo theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Đến nay tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn thành việc biên soạn, thẩm định, chỉnh sửa theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổ chức tập huấn và đưa vào giảng dạy đối với các tài liệu giáo dục địa phương dành cho lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10.

Truyền thông, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội nắm rõ về quan điểm xây dựng, mục tiêu, yêu cầu cần đạt được về phẩm chất và năng lực; kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; định hướng nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và giải đáp các vấn đề về giáo dục mà xã hội đang quan tâm.

Đến nay, 100% cơ sở giáo dục tiểu học, THCS, THPT, GDTX trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới đúng lộ trình.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đã chủ động tiến hành xây dựng kế hoạch giáo dục, chương trình nhà trường,… thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương, đơn vị; cập nhật tích hợp nội dung, chủ đề nhằm giúp học sinh học chương trình hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh, giúp học sinh học tập tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đến tháng 5/2022, toàn tỉnh hiện có 16.729 người làm việc (biên chế); trong đó, cán bộ quản lý: 1.234 người; giáo viên: 14.299 người, nhân viên: 1.196 người (Giáo viên cấp mầm non: 2.907 giáo viên/1.646 lớp, đạt tỉ lệ: 1,77 giáo viên/lớp; giáo viên cấp tiểu học: 4.779 giáo viên /3.664 lớp, đạt tỉ lệ: 1,30 giáo viên /lớp; giáo viên cấp THCS: 4.388 giáo viên/2.164 lớp, đạt tỉ lệ: 2,03 giáo viên/lớp;  giáo viên cấp THPT: 2.225 giáo viên/1.024 lớp, đạt tỉ lệ: 2,17 giáo viên/lớp).

Về công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng: Hàng năm Sở bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT để hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông về đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp, chuẩn hiệu trưởng và bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đúng quy định. 100% cán bộ quản lý, giáo viên được đánh giá chuẩn nghề nghiệp và bồi dưỡng thường xuyên đạt kết quả tốt.

Kết quả thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025 được Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018, Sở GDĐT phối hợp các sở, ngành tham mưu UBND ban hành Quyết định số 628/QĐ-UBND ngày 15/6/2022 phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Tổng kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2023-2025 là 2.753.037 triệu đồng và kinh phí mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất từ nguồn chi thường xuyên giai đoạn 2015-2022 quyết toán là 262.000 triệu đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Giáo dục vẫn còn gặp phải những khó khăn, bất cập trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Chỉ tiêu biên chế được Nhà nước giao chưa đủ và đáp ứng nhu cầu thực tế, song phải thực hiện cắt giảm biên chế hàng năm từ 1,5 đến 2%; việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đồng thời với Luật Giáo dục 2019 về đào tạo chuẩn trình độ cho giáo viên nên bị ảnh hưởng vì giáo viên vừa phải đi dạy vừa phải đi học; cơ sở vật chất còn thiếu, nhất là với khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa. Một số địa phương có tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp; còn thiếu phòng học, phòng chức năng và phòng bộ môn để tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày; các môn học mới như Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THPT không đủ giáo viên do các trường đào tạo không tuyển sinh được sinh viên đáp ứng nhu cầu,…

Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Đoàn giám sát tập hợp, kiến nghị cấp thẩm quyền bố trí đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu giáo viên đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018; xem xét tiếp tục nâng cao kinh phí ngân sách hằng năm của tỉnh bố trí chi cho giáo dục và đào tạo, bố trí đủ kinh phí hoạt động chuyên môn và các hoạt động khác của Ngành. Ưu tiên bố trí kinh phí triển khai thực hiện các kế hoạch, đề án đã được phê duyệt; ưu tiên nguồn kinh phí để tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn tỉnh./.

                                                                               Tin, Ảnh Ngọc Pháp