Tăng cường phụ đạo cho học sinh yếu kém

Lượt xem:


tinhphong1

Nhiều trường tiến hành phân loại và tăng cường phụ đạo cho học sinh yếu kém để bù đắp lại lỗ hỏng kiến thức thay vì chạy theo thành tích như các năm học trước.

Từ kiến thức cơ bản

Có mặt tại Trường THCS Tịnh Phong (Sơn Tịnh), một trong những ngôi trường thuộc top đầu có tỷ lệ học sinh có điểm thi vào lớp 10 năm học 2014-2015 thấp nhất tỉnh với 35,4% học sinh dưới điểm trung bình môn Toán, mới thấy được công sức, sự thương yêu tận tụy và cố gắng của người thầy đến dường nào.

Những giáo viên kinh nghiệm, tận tâm nhất được giao đứng lớp phụ đạo cho học sinh yếu kém. Các thầy cô bắt đầu củng cố cho các em từ những kiến thức căn bản nhất như cộng, trừ, nhân, chia các số tự nhiên, tìm x trong biểu thức.

Trường có 5 lớp khối 6 đã 3 lớp thuộc diện yếu và 1 lớp trung bình. 4 khối có 18 lớp thì đã có 13 lớp đưa vào dạy phụ dạo. Mỗi tuần 3 buổi chiều, các em sẽ học phụ đạo với những kiến thức căn bản nhất ở 3 môn chính là Văn, Toán và Ngoại ngữ.

tinhphong

Thầy Dương Quang Minh- giáo viên phụ trách môn tiếng Anh chia sẻ: Giờ là lúc phải chạy theo cái thực. Không chỉ quan tâm đến công tác bồi dưỡng học sinh khá, giỏi; việc phụ đạo học sinh yếu kém là nhiệm vụ không kém phần quan trọng.

Với các môn Văn, Toán khó một thì tiếng Anh với các em học sinh yếu, kém càng khó gấp nhiều lần. Nhiều em lên lớp 6 mà đọc tiếng Việt chưa rành bảo sao học tiếng Anh cho vững?

Mình phải bắt đầu từ bài học về các ngôi, nguyên tắc chuyển từ động từ số ít sang số nhiều, câu chủ động chuyển sang bị động và ngược lại để các em nắm vững trước khi đi vào các bài học khác.

Nhờ sự thương yêu, tận tụy của các thầy cô giáo mà các em học sinh đã phần nào bù đắp được sự thiếu hụt kiến thức. “Vừa rồi thi khảo sát đầu năm học em được có trung bình có 4,5 điểm. Giờ học chính trên lớp có nhiều bài em không hiểu đều được thầy dạy phụ đạo dạy lại lý thuyết và làm bài tập vận dụng nên em thấy dễ tiếp thu bài hơn”- em Trần Đức An, học sinh lớp 6D cho hay.

Việc phân loại và tăng cường dạy phụ đạo cho học sinh yếu, kém đang là nhiệm vụ then chốt ở nhiều trường THCS. Bởi đây là bậc học đặc biệt quan trọng, đóng vai trò nền tảng.

Thầy Nguyễn Cường- Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đức Phong (Mộ Đức) cho biết: Chúng tôi lọc ra 2 đối tượng, từ 1 đến 3 điểm, từ 3 đến 4,5 điểm. Trên cơ sở đó, tổ chức phụ đạo cho học sinh theo từng đối tượng. Vừa dạy vừa kiểm tra mỗi học kỳ 3 lần để đánh giá sự tiến bộ của học sinh.

Đến đổi mới căn bản, toàn diện

Không thể phủ nhận nền giáo dục của tỉnh nhà có những bước phát triển quan trọng. Hàng năm, số lượng học sinh giỏi các cấp, tỷ lệ học sinh đỗ vào ĐH-CĐ luôn ở mức cao so với các tỉnh, thành trong cả nước.

Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ học sinh yếu, kém mất nền tảng kiến thức. Theo số liệu công bố trong Hội thảo Nâng cao chất lượng giáo dục THCS và THPT trên địa bàn tỉnh vừa được Sở GD&ĐT tổ chức, kết quả xếp học sinh lớp 5 năm học 2013-2014 trên điạ bàn tỉnh có trên 98% đạt trung bình, khá, giỏi.

Thế nhưng, kết quả khảo sát lớp 6 đầu năm học 2014-2015, chỉ có 39,5% học sinh đạt mức trung bình trở lên với môn Tiếng Việt và 44,9% với môn Toán.

Khối lớp 9, 96,6% học sinh xếp loại trung bình trở lên. Trong khi đó, kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 có đến 47% học sinh đạt dưới điểm trung bình. Tại các huyện miền núi có điểm dưới 5 chiếm trên 85,5% đối với môn Ngữ văn và trên 95% điểm dưới 5 đối với môn Toán.

Sau khi kết quả khảo sát được công bố, nhiều ý kiến cho rằng đề thi ở mức khó, dẫu vậy Bộ GD&ĐT thẩm định chỉ ở mức trung bình.

Cùng với cơ sở vật chất chưa đảm bảo, học sinh mất căn bản từ bậc tiểu học; lương tâm và trách nhiệm của người thầy còn bị xem nhẹ ở một bộ phận giáo viên trực tiếp đứng lớp, thiếu sự đầu tư cho chuyên môn và những yếu kém trong công tác quản lý, chính sách giáo dục mang tính vĩ mô của các Bộ, ngành trung ương là những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên.

Trước những đổi mới căn bản toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29, ngành giáo dục Quảng Ngãi đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, việc tăng cường bổ sung kiến thức cho học sinh yếu kém để hạn chế tỷ lệ học sinh yếu kém, qua đó dần nâng cao chất lượng giáo dục là một trong những nhiệm vụ then chốt.

Ông Đoàn Dụng- giám đốc Sở GD&ĐT thẳng thắn: Phải phân công giáo viên thực sự giỏi, có cái tâm mới có khả năng giúp học sinh lấp lổ hổng. Giờ các em đang yếu, kết thúc học kỳ 1 lên được điểm 3, kết thúc năm học lên điểm 4, điểm 5 điểm là được. Không đòi hỏi tự nhiên giỏi, không nóng vội. Các cán bộ quản lý phải thường xuyên cùng giáo viên dự giờ, thăm lớp, phân công giáo viên giỏi để phụ trách các lớp yếu kém. Nếu tất cả hiệu trưởng của toàn tỉnh này cùng Sở làm được điều này thì chất lượng giáo dục đại trà của năm học 2014-2015 sẽ có sự chuyển biến tích cực.

Bài, ảnh: Ái Kiều