Tổng kết Đề án Nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường
Lượt xem:
Ngày 6/1, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc chủ trì hội nghị tổng kết đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” giai đoạn 2017-2021 (gọi tắt Đề án 1928) theo hình thức trực tuyến với hơn 60 điểm cầu với đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân
đã có nhiều thành tích xuất sắc trong việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án 1928
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi Nguyễn Văn Tâm tham dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Ngãi.
Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Đề án 1928 đã huy động được sự tham gia, phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể ở các địa phương và sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên.
Các đơn vị trong ngành Giáo dục đã xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; bám sát yêu cầu triển khai thực hiện đề án gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại hầu hết các nhà trường, cơ sở giáo dục trong toàn quốc.
Ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên đã được nâng lên rõ rệt, số học sinh vi phạm nội quy lớp học giảm xuống, việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, an ninh trường học ngày càng nghiêm túc và đi vào nề nếp. 100% thanh thiếu niên trong trường học được phổ biến chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống, công việc học tập phù hợp theo lứa tuổi.
100% cán bộ, công chức, viên chức người lao động ở các cơ sở giáo dục được trang bị kiến thức pháp luật liên quan đến hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Đa số giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân được tham gia các lớp đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, bồi dưỡng kiến thức pháp luật.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao những ý kiến tham luận của các đại biểu. Những đề xuất này sẽ giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận diện đầy đủ và toàn diện hơn về công tác giáo dục pháp luật và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường để đưa công tác này đi vào nề nếp, nhất là trong bối cảnh thực hiện yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, chuẩn hóa, hoàn thiện nội dung, chương trình, sách giáo khoa phục vụ giảng dạy, học tập môn pháp luật, giáo dục công dân. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, gắn với thực hiện chuyển đổi số của ngành giáo dục.
Dịp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã có nhiều thành tích xuất sắc trong việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án 1928./.
Ngọc Pháp