Triển khai công tác tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong bối cảnh dịch Covid-19
Lượt xem:
Thời gian qua, cùng với một số tỉnh, thành phố trong nước, tại Quảng Ngãi, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương trong tỉnh phải thực hiện dạy học trực tuyến trong thời gian dài.
Sau thời gian dài không được đến trường, những ngày đầu học sinh đi học trực tiếp, tâm trạng của học sinh sẽ háo hức, phấn khởi khi được gặp thầy cô, bạn bè, được ngồi trong lớp học nghe giảng bài trực tiếp. Tuy nhiên, trong học sinh sẽ xuất hiện tình trạng một số em có biểu hiện rụt rè, ít nói hơn; có em ngượng ngùng, xấu hổ, ngại tiếp xúc thầy cô, bạn bè. Bên cạnh đó, ngoài đa phần các em có sự phát triển thể chất cân đối, cao lớn hơn thì cũng có em bị suy dinh dưỡng hoặc thừa cân do chế độ ăn không đảm bảo và ít vận động,…
Để chuẩn bị tâm lý cho học sinh khi đến trường học trực tiếp, ngày 25 và 26/11, Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai hội nghị tập huấn công tác tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong bối cảnh dịch covid-19 với hơn 800 cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh tham gia, trao đổi.
Thông qua đợt tập huấn, các báo cáo viên chia sẻ về vai trò của tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh học trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19; kinh nghiệm và kiến thức để nhận diện những vấn đề tâm lý thường gặp ở học sinh trong dịch bệnh và khi quay lại trường học.
Bên cạnh đó, chương trình cũng trang bị cho cán bộ tư vấn tâm lý, giáo viên kỹ năng tư vấn, hỗ trợ cho học sinh khi gặp những khó khăn tâm lý; kỹ năng giúp học sinh đảm bảo an toàn, phòng chống bạo lực, xâm hại và các kỹ thuật giúp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cân bằng giữa công việc và gia đình.
Tác động tiêu cực của dịch bệnh lên thể chất và tinh thần của học sinh khó có thể khắc phục trong một sớm một chiều mà cần thời gian cũng như sự phối hợp từ phía gia đình. Nhưng một trong những điều cần quan tâm trong giai đoạn học trực tiếp, đó là sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh học sinh cần phải hết sức tích cực, hiệu quả.
Việc hỗ trợ tâm lý là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, khi phát hiện hoặc cảm nhận được học sinh nào e ngại, rụt rè, thầy cô sẽ có phương pháp điều chỉnh ngay như chuyện trò, tâm sự, trao đổi riêng; gọi phát biểu để tương tác nhiều hơn; kiểm tra việc ghi chép của học sinh nhằm kịp thời chỉnh sửa, uốn nắn, nhắc nhở, động viên, chia sẻ với các em.
Do đi học trong thời gian dịch bệnh phức tạp, học sinh được khuyến khích ra chơi tĩnh, ngồi tại lớp hoặc chỉ ra hành lang khu vực lớp học; hạn chế chạy nhảy, không xuống sân; nhà trường phân công nhân viên y tế kiểm tra tình hình sức khỏe, cân nặng học sinh; giáo viên thể dục bố trí cho học sinh tập các động tác thể dục giữa giờ để tăng cường vận động, đảm bảo sức khỏe thể lực cho các em.
Với những học sinh cần quan tâm hơn hoặc có biểu hiện tâm lý khác biệt, giáo viên chủ nhiệm trao đổi với phụ huynh về tình hình học sinh; lưu ý phụ huynh quản lý, nhắc nhở con ăn uống đầy đủ, hợp vệ sinh; tập các bài tập với mắt…; tuy nhiên sẽ có những phụ huynh không cùng đồng hành với nhà trường vì lí do quá bận việc; phụ huynh còn phải lo công việc của mình nên rất ít thời gian và điều kiện quan tâm, chăm sóc con cái.
Số học sinh cần quan tâm hỗ trợ tâm lý phần nhiều rơi vào trường hợp bố mẹ ly thân, ly hôn, sống với ông bà… nên trách nhiệm của các thầy cô giáo càng tăng lên.
Ngoài đảm bảo các giờ dạy chất lượng, Lãnh đạo nhà trường chỉ đạo các bộ phận liên quan, ngoài việc tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, cần hết sức quan tâm đến tuyên truyền các kỹ năng sống; tư vấn cách học hiệu quả, tránh xa cạm bẫy của game, mạng xã hội… để học sinh có thêm nhiều kỹ năng bảo vệ bản thân và có tâm lý học tập tích cực.
Các cơ sở giáo dục kịp thời phối hợp, đề nghị các ban ngành, đoàn thể cùng vào cuộc và tăng cường hỗ trợ quản lý học sinh khi trường học mở cửa trở lại. Nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch nhằm nhận diện, tư vấn, hỗ trợ kịp thời những vấn đề tâm lý của học sinh để các em cảm nhận được niềm hạnh phúc khi đến trường.
Ngoài ôn tập, củng cố kiến thức thì nhà trường rất quan tâm đến các biểu hiện, thái độ của học sinh khi đi học trực tiếp. Buổi học đầu tiên, trường đã tổ chức sinh hoạt lớp vào tiết 5 để giáo viên, học sinh có thời gian trao đổi, chia sẻ sau thời gian học online. Tiết sinh hoạt cần diễn ra vui vẻ, cởi mở, sôi nổi và hào hứng.
Tổ Tâm lý học đường của nhà trường tăng cường hoạt động trở lại – sẽ là nơi tiếp nhận, hỗ trợ, động viên các em khi gặp vấn đề cần bày tỏ. Lãnh đạo nhà trường chỉ đạo các bộ phận liên quan kết hợp giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tâm lý của từng học sinh, kịp thời phát hiện và tháo gỡ vướng mắc mà các em gặp phải; lồng ghép nội dung học tập chính khóa với các tiết chào chờ, sinh hoạt hay hoạt động ngoại khóa, tránh gây áp lực, căng thẳng cho học sinh.
Trước ngày học sinh được đến trường trở lại, các trường học xây dựng kế hoạch đối với tổ chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn; ngoài việc bồi dưỡng, ôn luyện kiến thức, nâng cao chất lượng giảng dạy còn quan tâm đến biểu hiện tâm lý của từng em, từ đó có biện pháp giúp đỡ cần thiết.
Điều này đòi hỏi tinh thần tận tâm, trách nhiệm, kỹ năng, đặc biệt là sự tinh tế của đội ngũ nhà giáo và các nhà quản lý trường học tại mỗi địa phương./.
Ngọc Pháp