Tỉnh tích cực chuẩn bị nguồn lực thực thi các Nghị quyết mới về Giáo dục
Lượt xem:
GDVN – Ông Nguyễn Ngọc Thái – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn của giáo dục địa phương sau sáp nhập.
Sau khi Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 được ban hành, tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi được sáp nhập thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Quảng Ngãi.[1]
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Thái – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, sau sáp nhập, giáo dục địa phương đang đứng trước nhiều cơ hội và cũng có một số khó khăn.
Địa bàn rộng lớn là thách thức cho hoạt động quản lý
Theo số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi, sau khi hợp nhất, toàn tỉnh có 925 đơn vị, cơ sở giáo dục (339 trường mầm non, 226 trường tiểu học, 118 trường tiểu học – trung học cơ sở, 171 trường trung học cơ sở, 63 trường trung học phổ thông, 02 trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, 01 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh).
Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành 31.493 người; tổng số học sinh, học viên toàn tỉnh khoảng 455.926 học sinh.
Ông Nguyễn Ngọc Thái chia sẻ, trên tinh thần thực hiện Nghị quyết số 202/2025/QH15, chủ trương của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, việc sáp nhập tổ chức ngành giáo dục giữa hai địa phương Kon Tum và Quảng Ngãi là bước đi mang tính chiến lược nhằm kiện toàn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới giáo dục trong bối cảnh hiện nay.
Ông Nguyễn Ngọc Thái – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi phát biểu trong Chương trình Tư vấn tuyển sinh 2025. Ảnh: Website Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU).
Về mặt thuận lợi, trước hết phải khẳng định sự thống nhất cao trong chỉ đạo từ lãnh đạo tỉnh tạo nền tảng vững chắc cho quá trình triển khai các chủ trương, chính sách giáo dục. Cùng với đó là sự đồng lòng, ủng hộ tích cực từ đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên tại cả hai địa phương Kon Tum và Quảng Ngãi đã góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa các định hướng chung một cách hiệu quả và bền vững.
Bên cạnh đó, sự tương đồng về đặc điểm dân cư, điều kiện kinh tế – xã hội giữa hai địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành và phát triển hệ thống giáo dục. Sự gần gũi về bối cảnh thực tiễn giúp hai bên dễ dàng tiếp cận, học hỏi và vận dụng linh hoạt các mô hình quản trị giáo dục phù hợp.
Một số lợi thế nổi bật khác cũng đang mở ra cơ hội phát triển đồng bộ cho ngành giáo dục địa phương.
Quy mô tổ chức lớn hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch tổng thể, việc sáp nhập giúp hình thành một hệ thống giáo dục có quy mô lớn hơn và phát triển giáo dục đồng bộ, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Đồng thời, tạo cơ hội phân bổ nguồn nhân lực một cách hợp lý giữa các vùng, góp phần giải quyết tình trạng chênh lệch về đội ngũ, tạo sự cân bằng trong tiếp cận giáo dục, nhất là ở những khu vực khó khăn
Sự liên kết giữa các địa phương còn mở ra cơ hội để tổ chức các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao năng lực giảng dạy và quản lý. Qua đó, chất lượng giáo dục toàn vùng sẽ được cải thiện một cách rõ rệt, tiến tới xây dựng một hệ thống giáo dục hiện đại, đồng bộ và phát triển bền vững.
Dù vậy, ông Nguyễn Ngọc Thái cũng chỉ ra những khó khăn nhất định mà giáo dục địa phương sẽ phải đối mặt.
Giám đốc Sở bày tỏ: “Với địa bàn rộng, trải dài từ các xã biên giới đến đặc khu Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển giáo dục. Điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn. Việc tổ chức lại bộ máy quản lý tại Sở Giáo dục và Đào tạo gặp không ít trở ngại do còn thiếu biên chế so với chỉ tiêu được giao.
Không chỉ vậy, sự chênh lệch về cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giáo viên và trình độ học sinh giữa các vùng miền vẫn là bài toán nan giải. Nếu không có các chính sách phân bổ nguồn lực và điều tiết hợp lý, dẫn đến nguy cơ phát triển không đồng đều giữa các khu vực”.
Hiện nay, đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học ở tất cả các cấp học.
Tuy nhiên, đối với bậc học mầm non, tiểu học vẫn còn thiếu giáo viên so với quy định ở một số môn mang tính chất đặc thù như Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học, Công nghệ; đối với bậc học trung học cơ sở, trung học phổ thông vẫn còn thiếu cục bộ tại một số đơn vị.
Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, Sở sẽ thực hiện rà soát, tổng hợp và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giao bổ sung biên chế để thực hiện tuyển dụng theo quy định. Trong thời gian chờ giao chỉ tiêu biên chế, các đơn vị cơ sở giáo dục có thể hợp đồng giáo viên để giảng dạy, ngành cũng khuyến khích các trường phân công giáo viên dạy liên trường trên cùng địa bàn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lĩnh vực giáo dục và đào tạo của phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ thực hiện toàn bộ việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng, tiếp nhận, điều động, biệt phái, thuyên chuyển, bổ nhiệm, thăng hạng chức danh nghề nghiệp, thay đổi chức danh nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá đối với đội ngũ nhà giáo, nhân sự quản lý, viên chức và người lao động trong tất cả các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 142/2025/NĐ-CP.
Đồng thời, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm lãnh đạo quản lý cấp trung học phổ thông (hoặc trường liên cấp có cấp cao nhất là trung học phổ thông) và các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo; còn cấp trung học cơ sở trở xuống do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, đặc khu bổ nhiệm.[3]
Ông Thái cho biết: “Liên quan đến các nội dung trên, sau khi Thông tư chính thức được ban hành, chúng tôi sẽ thực hiện theo quy định”.
Chuẩn bị nguồn lực để thực hiện các nghị quyết mới về giáo dục
Tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết mở rộng phổ cập cho trẻ mầm non từ 3 – 5 tuổi, với mục tiêu đến năm 2030, 100% tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho toàn bộ trẻ từ 3 – 5 tuổi.[4]
Cùng với đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Nghị quyết áp dụng từ năm học 2025-2026.[5]
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh đang tích cực triển khai các bước chuẩn bị nguồn lực nhằm đảm bảo chính sách đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và đồng bộ.
Thứ nhất, tăng cường cơ sở vật chất và mạng lưới trường lớp. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các địa phương rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, ưu tiên các xã còn thiếu lớp cho trẻ mầm non từ 3 tuổi.
Việc thống kê số lượng trẻ 3-4 tuổi chưa đến trường, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đang được triển khai nhằm xây dựng kế hoạch hành động giai đoạn 2025-2028.
Trong kế hoạch này, tỉnh Quảng Ngãi sẽ duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả như bán trú dân nuôi, nhóm cha mẹ nòng cốt, đồng thời đầu tư xây dựng thêm phòng học, nhà vệ sinh, bếp ăn bán trú cho các trường mầm non và phổ thông, đảm bảo điều kiện học tập và sinh hoạt cho học sinh.
Thứ hai, chuẩn bị đội ngũ giáo viên. Tỉnh Quảng Ngãi sẽ xây dựng Đề án phát triển đội ngũ giáo viên giai đoạn 2026-2030, trong đó tập trung vào tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên mầm non để đáp ứng yêu cầu phổ cập từ 3 tuổi.
Đặc biệt, tỉnh quan tâm đến chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập nhằm giữ chân và thu hút nhân lực chất lượng. Song song đó, công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ hiện có cũng được đẩy mạnh, gắn với chuẩn nghề nghiệp và yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục.
Thứ ba, bảo đảm nguồn tài chính. Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Tài chính và chính quyền các địa phương lập dự toán ngân sách cho việc thực hiện chính sách miễn học phí và phổ cập giáo dục mầm non.
Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, tỉnh cũng đang tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ thêm cho các trường. Đồng thời, Quảng Ngãi đang xây dựng cơ chế hỗ trợ học phẩm, đồ dùng cá nhân cho học sinh thuộc diện khó khăn, theo quy định tại Nghị định 66/2025/NĐ-CP của Chính phủ.
Thứ tư, chuyển đổi số và quản trị giáo dục. Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, từ khâu tuyển sinh, quản lý học sinh đến đánh giá chất lượng giáo viên và trường học. Công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách tại các địa phương cũng được tăng cường nhằm đảm bảo hiệu quả và công bằng trong triển khai.
Đối với chính sách miễn học phí cho học sinh phổ thông công lập và ngoài công lập từ năm học 2025-2026, ông Nguyễn Ngọc Thái cho hay: “Để thực hiện, tỉnh Quảng Ngãi đang tính toán ngân sách địa phương cần bổ sung, căn cứ theo mức học phí hiện hành và số lượng học sinh.
Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Tài chính lập dự toán ngân sách, trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt. Đồng thời, tỉnh xây dựng cơ chế giám sát việc miễn học phí, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận từ phụ huynh và nhà trường”.
Nguồn: https://giaoduc.net.vn/