LÊ VIẾT HÀ –NHÀ VÔ ĐỊCH CUỘC THI CHUNG KẾT “ĐƯỜNG LÊN ĐỈNH OLYMPIA” NĂM THỨ 7

Lượt xem:


Có lẽ giờ đây khán giả truyền hình cả nước đều biết và nhớ đến Lê Viết Hà với một khuôn mặt rạng ngời và một nụ cười tươi tắn khi nhận chiếc vòng nguyệt quế trong cuộc thi chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 7: Là học sinh lớp 12 chuyên Toán, trường trung học phổ thông chuyên Lê Khiết tỉnh Quảng Ngãi, Viết Hà đã để lại ấn tượng khó quên trong lòng những người yêu thích sân chơi trí tuệ này của Đài truyền hình Việt Nam.

Riêng đối với cán bộ, giáo viên, học sinh trường THPT chuyên Lê Khiết thì ngày Viết Hà bước vào cuộc thi chung kết là một ngày thật đáng nhớ với một buổi trưa tại sân trường trong cảm giác hồi hộp và vui sướng đến ngất ngây. Sân trường Lê Khiết trở thành điểm cầu truyền hình trực tiếp, giữa cái nắng oi nồng của một ngày đầu tháng 4, giữa sắc màu đỏ tươi của băng rôn, của mũ và những dải ruy băng rực rỡ của gần 2000 cổ động viên cùng chung một nhịp đập trái tim thể hiện niềm tin “Viết Hà chiến thắng”. Trong một không gian không gọi là rộng nên mới bước vào những giây phút đầu tiên của cuộc thi, sân trường đã rất nóng. Nhưng cái nóng của thời tiết cũng không thể sánh được với cái nóng ở sự cuồng nhiệt của các cổ động viên. Sau phần thi “khởi động”, phần “vượt chướng ngại vật” đến phần thi “tăng tốc”, Viết Hà đã làm cho cổ động viên đội nhà hưng phấn đến tột đỉnh với những câu trả lởi cực nhanh và chính xác. Hà vượt lên khá xa so với những bạn đồng hành.

Chiến thắng cuối cùng của Hà là 210 điểm, một chiến thắng khá thuyết phục người xem truyền hình. Lúc này cán bộ giáo viên và học sinh trường Lê Khiết không chỉ vui mừng mà còn vô cùng tự hào vì Viết Hà đã làm rạng rỡ tên trường Lê Khiết, làm rạng rỡ địa danh Quảng Ngãi nơi mà vốn trước đây không nhiều người biết đến. Giờ đây nhiều người biết Lê Viết Hà, biết tên trường Lê Khiết và sẽ biết thêm Quảng ngãi với khu kinh tế Dung Quất, nơi có nhà máy lọc dầu đầu tiên ở Việt Nam, nơi anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã ngã xuống và giờ đây có một bệnh viên mang tên chị ” Bệnh viện Đặng Thùy Trâm”. Họ còn có thể biết thêm đây là quê hương của cả những đặc sản ngọt ngào như: đường phèn, đường phổi , mạch nha …,và cả cá bống sông Trà nữa.

Với Viết Hà, để có một chiến thắng đầy thuyết phục như thế hẳn không phải chỉ là sự may mắn, Hà đã thể hiện sự thông minh và kiến thức sâu rộng qua các cuộc thi. Ở phần thi “Tăng tốc” bao giờ Hà cũng vượt lên thật ngoạn mục. Đó là một phần thi thể hiện rõ chỉ số IQ của các thành viên leo núi. Viết Hà còn ấn tượng với khán giả bởi sự tự tin và tâm lí thi đấu vững vàng. Nếu nói tất cả 4 thành viên của cuộc thi chung kết này đều là những người chiến thắng, đều xuất sắc thì Viết Hà là thành viên xuất sắc nhất.

Ở trường, Hà luôn nổi bật giữa đám bạn bè vì vóc dáng khỏe mạnh, cao lớn, không những thế, Hà còn nổi bật bởi cách học chủ động bằng sự tìm tòi mở rộng kiến thức. Khi học ở lớp Hà không ghi chép nhiều , chỉ nghe giảng và ghi lại sườn bài với một số ý chính. Trước những câu hỏi của các thầy cô giáo phần lớn Hà đều trả lời đúng với sự lập luận chặt chẽ lô gích.Hà học đều ở các môn và có một trí nhớ tốt. Năm còn học lớp 10 trường có tổ chức cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”cấp trường cho học sinh khối 10 và khối 11 thì Hà là người đạt số điểm cao nhất. Và thế là Viết Hà biết chắc sẽ có một ngày nào đó mình sẽ ” Đem chuông đi đánh đất người “. Hà ý thức được mình phải gióng lên những tiếng chuông thánh thót ngân nga vì đó là tiếng chuông của người đại diện cho một trường có bề dày truyền thống hiếu học và truyền thống cách mạng.

Để trang bị kiến thức cho cuộc thi bên cạnh sự trợ giúp nhiệt tình của thầy cô ở tất cả các bộ môn thì Viết Hà luôn tìm tòi và học hỏi không ngừng.Ba mẹ Hà đều là cán bộ công chức nhà nước, gia đình đã cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho việc học tập của Hà.Qua ba mẹ Hà, qua Hà, tôi được biết ngoài thời gian học ở trường, học bài, làm bài tập ở nhà, mỗi ngày Hà thường dành ra khoảng 30 phút để đọc sách và ban đêm khi mọi người đã ngủ Hà thường lên mạng Internet để đọc báo cập nhật thêm những thông tin mang tính thời sự, tìm kiếm tư liệu bổ sung cho cái kho kiến thức của mình và học thêm tiếng Anh. Theo Hà thì “những kiến thức ấy rất có ích cho công việc và cuộc sống của mỗi người vì vậy dù có dự thi “Đường lên đỉnh olympia” hay không thì em vẫn cố gắng tích lũy kiến thức đa dạng mỗi ngày” Vì vậy chiến thắng của Hà là một phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực lớn lao của Hà.

Hà đặc biệt yêu thích ngành điện tử và em mơ ước trở thành một kĩ sư điện tử viễn thông thật giỏi để “đưa ngành điện tử viễn thông Việt Nam sánh ngang với các cường quốc trên thế giới”, đó là lời của Hà. Và lý tưởng của Hà là “được cống hiến thật nhiều cho đất nước của mình”. Đó là một ước mơ và lý tưởng cao đẹp xứng đáng là một người con sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng.

Trở thành nhà vô địch cuộc thi “Đưòng lên đỉnh Olympia” năm thứ 7 đó chỉ mới là thành công bước đầu trong cuộc đời của Hà nhưng chiến thắng này đã mở ra cho Hà một cơ hội mới để bước vào tương lai. Tuy nhiên cái đích còn xa, để đạt được ước mơ chắc Hà sẽ phải trải qua rất nhiều gian nan thử thách nhưng với Lê Viết Hà chúng ta đã có một mầm xanh đầy sức sống, sức xuân. Gia đình của Hà, thầy cô và bạn bè của Viết Hà đều tin và cầu chúc cho ước mơ của Hà sẽ thành hiện thực.

Võ Thị Dung

(Giáo viên trường THPT chuyên Lê Khiết)