Một thầy giáo bình dị, nhiệt huyết và có ảnh hưởng tốt đẹp

Lượt xem:


Tôi và thầy không có mối quan hệ thầy – trò, càng không có mối quan hệ đồng nghiệp. Tôi biết đến thầy qua công việc giữa cơ quan tôi và trường thầy dạy, và tôi gọi thầy là “thầy” bởi lòng kính trọng, trân quý một người thầy luôn hết lòng tận tụy vì học sinh thân yêu.

Người thầy mà tôi muốn nhắc đến trong bài viết này là thầy Lê Văn Linh – hiện đang là giáo viên bộ môn Lịch sử và Giáo dục Công dân của Trường Trung học Phổ thông (THPT) chuyên Lê Khiết.

Sinh năm 1968 trong một gia đình nghèo khó có tám anh chị em ở xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa (nay là thành phố Quảng Ngãi), thế nhưng, bằng niềm đam mê, bằng ý chí mãnh liệt vượt qua khó khăn, vượt qua chính mình, cậu học sinh bé nhỏ ngày ấy đã tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn năm 1991 – những năm mà sinh viên tốt nghiệp Đại học còn rất ít ỏi.

Ra trường, với chí khí của người thanh niên trẻ tuổi, thầy đã tình nguyện ra công tác ở Trường THPT Lý Sơn thuộc huyện đảo Lý Sơn – một huyện đảo còn nghèo khó, trường lớp rất tạm bợ, bốn bề sóng vỗ, thuyền gỗ ra đến đảo mất 5-6 giờ. Cuộc sống xa đất liền, phải mua gạo, rau xanh với giá đắt đỏ, không có điện,… Tuy vậy, thầy Linh vẫn luôn cố gắng khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn để hoàn thành xuất sắc mọi công tác được giao. Tại đảo Lý Sơn, trãi qua các cương vị là Tổ trưởng chuyên môn, Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Công đoàn cơ sở, thầy đã lưu được những dấu ấn đẹp trên hòn đảo lắm nắng, nhiều bão này.

Những năm đầu thập kỷ 90, huyện đảo Lý Sơn, người dân vẫn còn mang nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, nên số học sinh nữ đến trường còn rất ít và có chồng sớm, có lúc cả khối lớp chỉ có một hai học sinh nữ. Thầy đã cùng các thầy cô giáo khác đến từng nhà vận động, kết quả số lượng nữ đi học chiếm gần 50% học sinh của trường. Thầy đã phát động và duy trì phong trào thể dục thể thao, văn nghệ trong nhà trường. Ngoài ra, thầy còn là trưởng ban huấn luyện các đội thi phòng chống tệ nạn xã hội, nhiều năm liền đem về giải Nhất, Nhì cho trường.

Thầy giáo Nguyễn Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Lý Sơn có lời nhận xét: “Thầy Linh luôn mẫu mực, nhiệt huyết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có nhiều sáng kiến xây dựng tập thể”.

Đến tháng 8 năm 2003, thầy được Sở Giáo dục  và Đào tạo Quảng Ngãi phân công đến dạy ở trường THPT Bán công Huỳnh Thúc Kháng, huyện Sơn Tịnh (nay là thành phố Quảng Ngãi). Ở thời điểm đó, Trường THPT Bán công Huỳnh Thúc Kháng còn là trường thuộc hệ bán công, nên điểm đầu vào của trường rất thấp. Trường có rất nhiều học sinh cá biệt và cũng rất nhiều học sinh nghèo. Đối với những học sinh cá biệt, thầy thường  xuyên tâm sự, tìm hiểu tâm lý các em để trở thành một người bạn, dần dần làm biến chuyển nhận thức của học sinh; đối với học sinh học lực còn yếu, kém, thầy chọn những học sinh học khá, giỏi kèm cặp cho những bạn học sinh yếu, kém (“đôi bạn cùng tiến“); đối với học sinh nghèo, thầy tìm các nguồn học bổng giúp đỡ các em vượt qua khó khăn, tiếp tục đến trường. Lớp thầy chủ nhiệm luôn duy trì tốt sĩ số và đỗ tốt nghiệp, cao đẳng, đại học cao nhất nhì của trường.

Cựu học sinh Đinh Quang Hiếu, khóa 2008 – 2011, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng tâm sự: “Không có thầy Lê Văn Linh thì em không có tương lai tốt đẹp như hôm nay, thầy đã hết mình giáo dục học trò, đặc biệt là học trò cá biệt chưa có ý thức, ham chơi. Thầy đã giúp em tiến bộ và học tốt“.

Trong công tác giảng dạy, thầy luôn có ý thức học tập, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, đưa nhiều kiến thức liên môn vào bài giảng, dạy học theo các phương pháp tích cực, có khả năng “truyền lửa” đam mê cho học sinh, đặc biệt thầy tập cho học sinh thói quen tự học. Trong 13 năm công tác tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, thầy đã bồi dưỡng, luyện tập học sinh giỏi môn Lịch sử, kết quả đạt 157 học sinh đạt giải cấp trường, 83 học sinh đạt giải cấp tỉnh và 03 học sinh đạt giải trong kỳ thi Khoa học Kĩ thuật cấp Quốc gia (năm 2014), có hàng chục học sinh ngưỡng mộ và được thầy bồi dưỡng đã đi theo ngành Lịch sử và đang dạy học ở nhiều tỉnh.

Bên cạnh đó, với vai trò là Chủ tịch Công đoàn, thầy đã vận động thầy, cô giáo thực hiện tốt phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, cuộc vận động“Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và nhiều cuộc vận động khác. Thầy tận tình giúp đỡ nâng cao chuyên môn cho các thầy, cô giáo trẻ đủ sức dạy tốt và thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, kết quả số lượng giáo viên dạy giỏi của trường trong 12 năm (2001-2012) tăng từ 15% lên trên 60%, cao so với nhiều trường trong tỉnh Quảng Ngãi. Thầy tổ chức ngày sinh nhật cho mỗi thầy, cô giáo, người lao động, đây vừa là sự quan tâm, vừa tạo thêm tình thân ái, đoàn kết giữa những cá nhân trong tập thể. Đặc biệt, thầy vận động xây quỹ Giúp nhau từ các thầy, cô giáo và người lao động trong nhà trường, có lúc quỹ đạt gần 1 tỉ đồng để hỗ trợ cho các thầy, cô giáo gặp khó khăn về nhà ở, về sức khỏe, phương tiện đi lại…

Cô Trần Thị Thu Hằng, nguyên Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ngãi đánh giá về thầy Linh: “Nhiệt tình, làm việc khoa học, hết lòng vì mọi người, phát động nhiều phong trào thi đua ở cơ sở đạt hiệu quả cao”.

Riêng đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, mồ côi, khuyết tật, từ năm 2005 đến năm 2016, thầyđã kêu gọi, tìm kiếm và vận động từ nhiều nơi được hơn 3,5 tỷ đồng để giúp đỡ hơn 1.580 lượt học sinh được tiếp tục đến trường thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình.

Với tâm huyết, trách nhiệm và sự tận tụy, không ngừng học hỏi của mình, chỉ kể từ năm 2004 đến nay, thầy Linh đã được các cấp chính quyền, đoàn thể ghi nhận: Giáo viên chủ nhiệm xuất sắc nhiều năm liền, 12 năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (từ năm 2004 đến 2016), 2 lần chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (2006 và 2013), đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử (năm 2007), môn Giáo dục Công dân (năm 2011), 5 lần được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng bằng khen (năm 2003, 2007, 2014, 2015, 2016), 3 lần được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tặng Bằng khen (năm 2008, 2010, 2017); 1 lần được Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng Bằng khen (năm 2010); 1 lần được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen (năm 2015); 2 lần được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen (năm 2012, 2016), 1 lần được Thủ tướng tặng Bằng khen (năm 2016), 1 lần được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi tặng Bằng khen trong phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đaọ đức Hồ Chí Minh, giai đoạn 2011-2015”; Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi công nhận gia Gia đình CNVCLĐ tiêu biểu (giai đoạn 2013 – 2015).

Tháng 8 năm 2016, thầy học xong Cao học chuyên ngành Lịch sử Việt Nam, cùng thời điểm, thầy được Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi chuyển công tác về dạy Trường THPT chuyên Lê Khiết. Tại đây, một lần nữa thầy khẳng định sự vững vàng trong chuyên môn khi đạt giải Nhất toàn quốc cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”.

Nay sắp tròn 50 tuổi, thầy vẫn không ngừng học tập, tấm gương sáng về “tự học”, dạy giỏi, vẫn phấn đấu trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành Giáo dục, ấp ủ nhiều chương trình từ thiện, khuyến học và tiếp tục xây dựng gia đình văn hóa, mẫu mực./.

 

Đỗ Thị Lệ Huyền – Ban Biên tập