Người chuyên gia đào tạo học sinh giỏi
Lượt xem:
(Baoquangngai.vn)- Khi nghe tin nhà giáo duy nhất và đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi được vinh danh nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2013 vừa được tổ chức tại Hà Nội là một thầy giáo dạy bộ môn Địa lý, tôi thật ngạc nhiên.
* “Bách khoa toàn thư”
Tôi cứ nghĩ đơn giản: Địa lý là môn học bài, vì vậy người dạy địa lý không đòi hỏi tư duy nhưng những người dạy bộ môn khoa học tự nhiên khác. Vừa bày tỏ ý nghĩ ấy với thầy Nguyễn Ngọc Tựu- Chánh văn phòng Sở GD&ĐT, thầy phản bác ngay: “Không. Thầy Diệp rất giỏi, tận tâm với nghề, thương yêu học trò như con…, thầy xứng đáng được vinh danh”. Quả đúng như vậy. Ý nghĩ ấy đã trở thành một niềm ân hận khi tôi được gặp thầy Lê Đình Diệp- giáo viên Trường THPT Bình Sơn.
Sinh ra ở mãnh đất cố đô Huế. Chàng thanh niên trẻ Lê Đình Diệp yêu tất cả những gì là của Huế. Bởi Huế thanh bình, yên ả, sâu lắng đi vào lòng người. Cảm thấy không thể xa rời mãnh đất này, chàng thanh niên trẻ Lê Đình Diệp quyết tâm thi đậu vào Đại học Sư phạm Huế. Những ngày tháng sau ngày đất nước thống nhất, được sống trên mãnh đất quê hương thân yêu, anh muốn sau khi ra trường đây sẽ là nơi anh thỏa sức cống hiến, đem đến cho các em con chữ không kể nắng mưa.
Thầy Diệp kể, cuộc đời tôi như một chuỗi cơ duyên khi vào một ngày mùa đông năm 1976, tôi vô tình đọc được những dòng chữ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 4 đăng tải trên báo Nhân Dân có đoạn “Bao nhiêu thịt cho dân. Bao nhiêu gạo cho dân. Bao nhiêu rau cho dân”. Quá cảm tình với chế độ cách mạng sao mà lo cho dân đến thế, sao mà công bằng đến thế nên sau khi ra trường, tôi nhận được quyết định phân công tác về trường THPT Bình Sơn (Nghĩa Bình cũ – PV ) mà lòng không chút đắng đo, do dự.
Trong buổi ban đầu bỡ ngỡ, giữa chốn xứ lạ quê người với muôn vàn khó khăn, lo toan của cuộc sống, đồng lương ít ỏi. Khó khăn là vậy, nhưng thầy đã cố gắng vượt qua tất cả dìu dắt lớp lớp thế hệ học trò đến bờ tri thức.
Thế là từ ấy đến nay, thầy Diệp đã gắn bó với mãnh đất Bình Sơn đã 34 năm. Với tâm niệm “Mình dạy cái gì, học sinh học được gì?”, thầy Diệp luôn trăn trở để tìm ra những cách thức truyền đạt bài giảng một cách hiệu quả và phù hợp.
Mỗi khi đi công tác, nơi đầu tiên thầy tìm đến là đến nhà sách. Bởi thế nhà thầy giống như một thư viện. Nhiều khi thầy bị vợ mắng cũng vì sách, tài liệu chất đầy nhà. Nhờ những tài liệu ấy mà thầy cập nhật được phương pháp giảng dạy mới, chương trình nghiên cứu mới tạo cảm hứng thích thú cho học sinh.
Thầy còn liên hệ với các giáo sư tại ngôi trường đại học mà mình đã học để xin tài liệu, kinh nghiệm chuyên môn cho bài giảng nên chất lượng giảng dạy ngày một cao.
Thầy đam mê đọc sách, luôn nghiền ngẫm cách áp dụng những kiến thức đã đọc được vào cuộc sống hàng ngày để dạy học trò, chia sẻ với đồng nghiệp.
Bất chợt đọc bài báo của Viện Giáo dục Quốc gia nêu thực trạng vi phạm đạo đức của học sinh, khi ngành Giáo dục triển khai Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, sau nhiều đêm suy nghĩ, thầy đã chọn cho mình mô hình “Tăng cường giáo dục kỹ năng và giá trị sống trong trường học”.
“Đuổi một học trò nào ra khỏi lớp- chưa bao giờ tôi làm thế trong 34 năm đứng trên bục giảng. Nếu làm như thế là sự thất bại trong giáo dục. Các em bị điểm thấp, vi phạm đạo đức là lỗi của thầy cô giáo. Chúng ước rồi, không sợ mưa. Thay vì vin vào lỗi của các em, hãy tìm ra điều đúng để giáo dục chúng. Đã là con người bao giờ cũng có sự thay đổi”- thầy Diệp thổ lộ.
Thầy đã dày công nghiên cứu, tìm hiểu tâm lý, xu hướng hành động của giới trẻ. Với phong cách vừa thân thiện, gần gũi, có kiến thức chuyên sâu, chững chạc sâu sắc, thầy Diệp luôn được đánh giá là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Được học sinh và đồng nghiệp tôn trọng, yêu quí.
Chia sẻ về người thây yêu quý của mình, em Phạm Tấn Cảnh, học sinh lớp 12C10 bộc bạch: “Thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy cho chúng em học làm người, cách vươn lên trong cuộc sống”.
34 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, thầy không chỉ được đồng nghiệp, học trò đặt cho biệt danh “bách khoa toàn thư” mà còn là một “chuyên gia” đào tạo học sinh giỏi.
Với sự nỗ lực và niềm yêu nghề, thầy luôn thể hiện mình là một người tự tin, sẵn sàng đem những tri thức mà mình có được chia sẻ cho nhiều thế hệ trẻ. 16 năm tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi cho tỉnh, năm nào học trò thầy cũng mang tự hào về cho tỉnh nhà. Riêng ngôi trường mà thầy đang giảng dạy có tới 8 học sinh giỏi cấp quốc gia và cũng là ngôi trường dẫn đầu học sinh giỏi quốc gia môn địa lý của tỉnh”. Những học sinh đoạt giải ngày ấy bây giờ là sinh viên của các trường đại học, có người là thạc sỹ, tiến sỹ, giảng viên đại học.
Nói về kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy giáo Diệp chia sẻ: “Muốn có học sinh giỏi cấp quốc gia phải có học sinh giỏi thật sự. Trước hết phải phát hiện ra học sinh có năng lực, đó là những học sinh có tố chất đặc biệt”. Trong quá trình bồi dưỡng kiến thức cho các em, thấy hết sức tận tâm với học trò, vừa là thầy cũng vừa là bạn để động viên, chia sẻ với các em.
Thầy Hồ Tấn Sỹ- Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn tự hào: “Không chỉ tâm huyết với chuyên môn, giáo dục hành vi đạo đức cho học sinh, thầy Diệp còn là người có công rất lớn trong việc trồng cây xanh tạo cảnh quan cho nhà trường”.
Nhận thức tại trường học không thể thiếu cây xanh, cây bóng mát. Có được khuôn viên đẹp cũng như trong lành mát mẻ sẽ giúp các em học sinh có một môi trường giáo dục lành mạnh nên mỗi lớp mà thầy chủ nhiệm đều trồng và chăm sóc một cây xanh. Nhờ vậy mà khuôn viên nhà trường luôn rợp cây xanh bóng cây.
* Đùm bọc học trò nghèo
Tấm lòng đầy nhiệt huyết luôn tận tâm đối với nghề của thầy Diệp lại làm chúng tôi khâm phục bởi tấm lòng nhân ái bao la dành cho những mảnh đời bất hạnh. 34 năm công tác trong ngành là ngần ấy năm thầy luôn tích cực với công tác từ thiện xã hội.
Thầy luôn tận tâm giúp đỡ học sinh có hoàn khó khăn, động viên các em cố gắng học tập tốt, vươn lên trong cuộc sống. Thầy đã vận động, thuyết phục nhiều bạn bè, đồng nghiệp, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân cùng chung tay sẻ chia với những mảnh đời kém may mắn.
Tâm sự với chúng tôi, thầy luôn nhắc tên cậu học trò Nguyễn Công Nguyên. Nguyên mồ côi cha lúc mới lên 1 tuổi, thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng cũa mẹ. Thiếu ăn, thiếu mặc, 3 anh chị em của Nguyên phải bỏ học đi làm thuê. Sinh ra trong một gia đình nghèo lại có hoàn cảnh éo le như thế, nhưng Nguyên luôn học giỏi, em đã chứng tỏ một nghị lực sống thật đáng khâm phục.
Cảm phục trước nghị lực của Nguyên, thầy Diệp đã đích thân dẫn học trò này về nuôi. Tự tay thầy chăm sóc cho học trò như những đứa con yêu quý của mình. Nhờ sự giúp đỡ tận tình, trách nhiệm của thầy mà Nguyên đã vượt qua nghịch cảnh, năm học vừa qua em đã đạt giải Ba học sinh giỏi Quốc gia. Nguyên là học sinh đạt giải cao nhất của tỉnh trong kỳ thi này. Càng tự hào hơn khi cậu học trò Nguyên bây giờ là sinh viên của ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Với thầy, hạnh phúc là có được những học trò giỏi, ngoan, trở thành người có ích cho xã hội. Thầy luôn tâm niệm sẽ làm những gì tốt đẹp nhất cho học trò.
Bài, ảnh: Ái Kiều