Người Thầy lan tỏa niềm yêu tin

Lượt xem:


Mỗi khi nói về Trường THPT Phạm Văn Đồng (Mộ Đức, Quảng Ngãi), nhiều người thường nhắc đến thầy Văn Tấn Thu, Tổ trưởng bộ môn Ngoại ngữ của trường, dù thầy công tác tại Trường THPT Phạm Văn Đồng chưa tròn 5 năm. Có được niềm hạnh phúc lớn lao này, nhất là đối với một giáo viên từ miền núi chuyển về đồng bằng như thầy quả là điều không hề giản đơn.

Ảnh: Thầy Văn Tấn Thu, Tổ trưởng bộ môn Ngoại ngữ, Trường THPT Phạm Văn Đồng

Hành trình trở về xuôi của thầy Thu là một chặng đường đầy gian nan, thử thách. Năm 2001, sau khi tốt nghiệp Đại học sư phạm, dù khát khao được giảng dạy tại quê nhà nhưng rồi thầy cũng đành phải khăn gói vào tỉnh Cà Mau để xin việc (vì thời điểm đó tỉnh Quảng Ngãi không có chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên môn tiếng Anh). Đến mảnh đất cực Nam của Tổ quốc, sau khi được lãnh đạo Ngành phỏng vấn, tháng 9/2001, thầy được bổ nhiệm về công tác tại Trường THPT Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, một trường ở vùng sâu của tỉnh Cà Mau. Công tác được 6 năm, thầy Thu cùng vợ (cô Nguyễn Thị Thu Viễn, người cùng quê Nghĩa Hành cũng vào Cà Mau giảng dạy từ năm 2004) quyết định xin thuyên chuyển về Quảng Ngãi, vì cha mẹ cả hai bên gia đình đều già yếu, ốm đau.

Tháng 11 năm 2007, hai vợ chồng thầy được chuyển công tác về tỉnh nhà. Còn gì vui hơn khi niềm khát khao cháy bỏng bao ngày, giờ đã trở thành hiện thực. Nhưng rồi niềm vui của thầy vẫn chưa thể trọn vẹn, vì nếu muốn được giảng dạy tại Quảng Ngãi, dù là ở miền núi, thầy phải chấp nhận điều kiện: cô Viễn được công tác ở Trường THPT Trà Bồng thì thầy phải công tác ở Trường THPT Tây Trà, huyện Tây Trà (nay thuộc huyện Trà Bồng), một ngôi trường cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 80 km về phía Tây, một nơi mà lúc bấy giờ nhiều người trong Ngành thường nói đùa là “đi dễ khó về”! Không còn một sự lựa chọn nào khác, thầy Thu đành chấp nhận theo sự phân công của tổ chức.

Sáu năm thầy Thu công tác ở Trường THPT Tây Trà  là những ngày tháng khó khăn tiếp nối khó khăn, gian khổ. Khoảng thời gian này, những ngày trống tiết dạy, thầy Thu như con tàu luôn xuôi ngược đó đây: sáng Tây Trà, chiều Trà Bồng, ngày hôm sau lại là bến Nghĩa Hành. Khủng khiếp nhất là những ngày mưa lũ, sạt lở núi, tai họa luôn rình rập, chực chờ! Có lúc tưởng chừng thầy sẽ gục ngã, sẽ xa rời bục giảng thân thương, nhất là lúc nghe tin mẹ cô Viễn đột ngột qua đời (năm 2009).

Nhưng nhờ ngọn lửa rực cháy của tình yêu nghề, tình yêu tha thiết đối với học trò đồng bào nghèo khó, người thầy vùng cao đã vượt qua nghiệt ngã. Thầy đã biến cái không thể thành cái có thể. Xa nhà, ở tập thể cùng đồng nghiệp, thầy luôn tâm niệm câu nói quen thuộc “Học thầy không tày học bạn”.

Nhờ vậy, 6 năm công tác ở Tây Trà, từ chỗ “con số không” về tin học, thầy đã tích góp được những tri thức, kĩ năng cần thiết về máy tính. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy nên thầy đã quyết tâm phấn đấu để sở hữu một máy tính xách tay. Có được mấy triệu tiền hỗ trợ cho giáo viên vùng cao, thầy mượn thêm anh em đồng nghiệp để “hiện thực hóa” ước mơ của mình.

Cũng từ đó, bằng tinh thần tự học, thầy đã dần khẳng định được vị thế người Thầy trong lòng học sinh, đồng nghiệp và phụ huynh học sinh, Thầy đã đạt giải Nhì môn tiếng Anh trong Kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2008-2009 do Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi tổ chức là phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi của thầy.

Công tác ở Tây Trà được 6 năm, đầu tháng 9 năm 2013, thầy được chuyển về công tác ở Trường THPT Trà Bồng để có điều kiện chăm sóc cho vợ con và cha mẹ (khi sinh đứa con thứ hai, cô Viễn bị Tiền sản giật nặng phải sinh non, phải điều trị mấy tháng liền ở bệnh viện Phụ sản Đà Nẵng; cũng trong khoảng thời gian này, mẹ thầy lại bị bệnh thận rất nặng, gần như hàng tháng phải cấp cứu ở bệnh viện). Không thể đầu hàng số phận, không thể từ bỏ con đường đã lựa chọn, thầy Thu đã vượt qua tất cả.

Năm 5 công tác ở Trà Bồng, thầy Thu luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người giáo viên – Đảng viên. Là một thành viên trong Tổ nghiệp vụ bộ môn của Sở Giáo dục và Đào tạo, thầy đã thật sự tạo được niềm tin yêu của học sinh và đồng nghiệp.

Được về đoàn tụ với vợ con ở Trà Bồng, thầy Thu đã mua đất, xây nhà với tâm nguyện là sẽ gắn bó lâu dài với mảnh đất ngập tràn hương quế này. Nhưng chưa kịp “bén rễ xanh cây” thì bệnh tình của người mẹ lại càng trở nặng: mẹ thầy không thể tự lo được cho bản thân, sự sống chỉ được tính bằng ngày. Là con út trong nhà, sau khi anh chị lập gia đình ra ở riêng, duy chỉ có mình thầy là ở cùng với cha mẹ nên thầy không thể yên lòng để người cha gần 80 tuổi ngày ngày phải lầm lũi nấu nướng, giặt giũ, chăm sóc mẹ. Thế là, lại một lần nữa, thầy phải quyết định xin thuyên chuyển về xuôi – dù lòng nặng ân tình với quê hương đồng bào Cor, dù mỗi lần ra đi là tất cả gần như phải làm lại từ đầu!

Với chính sách ưu tiên dành cho cán bộ – giáo viên công tác nhiều năm ở miền núi và sự cảm thấu với hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của thầy, nên vào tháng 4 năm 2018, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đã kí quyết định cho thầy Văn Tấn Thu về công tác tại Trường THPT Phạm Văn Đồng (cô Viễn, vợ thầy thì đã được chuyển về giảng dạy môn Ngữ văn tại Trường THPT số 2 Mộ Đức từ năm trước).

Ảnh: Thầy Văn Tấn Thu, cùng học sinh Trường THPT Phạm Văn Đồng

Có thể nói, từ ngày về Trường THPT Phạm Văn Đồng, thầy Thu đã mang đến một “làn gió mới” cho tổ Ngoại ngữ của trường: Trường chính thức có Câu lạc bộ tiếng Anh; học sinh ở cả 3 khối lớp tự tin giao lưu ở các sân chơi tiếng Anh trong Tỉnh; nhiều học sinh đạt giải cao trong các kì thi, hội thi; đặc biệt trong năm 2022-2023 này, khi  cấp THPT cùng một lúc phải thực hiện 2 chương trình (chương trình 2006 và chương trình 2018), thầy Thu trở thành “điểm tựa” giúp đồng nghiệp tháo gỡ những khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Những ai đã từng công tác cùng thầy Thu, tin rằng sẽ cảm nhận được ý chí, nghị lực, tinh thần tự học, tấm lòng hiếu nghĩa và niềm đam mê nghề nghiệp chưa bao giờ vơi cạn trong trái tim thầy. Không phải ngẫu nhiên mà một giáo viên từ miền núi chuyển về công tác chưa tròn 5 năm nhưng thầy Văn Tấn Thu lại được hiệu trưởng nhà trường chọn làm Thư kí Hội đồng và bổ nhiệm làm Tổ trưởng chuyên môn. Cũng không phải ngẫu nhiên mà thầy Thu được bầu chọn là trưởng cụm sinh hoạt chuyên môn của các trường THPT phía Nam của tỉnh.

Nhiều người khi nói về Trường THPT Phạm Văn Đồng thường nhắc đến thầy Văn Tấn Thu đâu phải chỉ là một sự tình cờ? Có thể nói thầy Thu là một trong số những người thầy hạnh phúc nhất. Bởi, đối với người Thầy, còn có hạnh phúc nào hơn khi lan tỏa được niềm yêu tin trong cộng đồng xã hội. Thật xác đáng vô cùng khi ai đó đã nói rằng: xã hội phát triển nhờ khoa học và tồn tại nhờ niềm tin yêu. Mong sao ngành Giáo dục Quảng Ngãi có thật nhiều những giáo viên như thầy Văn Tấn Thu để niềm tin yêu về NGƯỜI THẦY mãi rực sáng giữa cuộc đời./.

                                                                        Mộ Đức, tháng 11 năm 2022
                                          Thầy Lê Thanh Truyền, giáo viên Trường THPT Phạm Văn Đồng