Giáo dục Quảng Ngãi, sau 5 năm phát triển

Lượt xem:


Kế hoạch 5 năm 2006-2010 sắp kết thúc. Tuy còn nhiều việc phải làm, còn những hạn chế tiếp tục khắc phục, song 5 năm qua, Giáo dục Quảng Ngãi đã có bước phát triển mới. Cùng với việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVII về phổ cập giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn, Giáo dục Quảng Ngãi đã không ngừng nâng cao về chất lượng giáo dục, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cũng như phát triển giáo dục tại 6 huyện miền núi của tỉnh.

55phattrien

I. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh là mục tiêu xuyên suốt, nhất quán trong các hoạt động giáo dục. Tiếp tục thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”. Nhiệm kỳ qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động đẩy mạnh các phong trào thi đua trong nội bộ ngành, đồng thời phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức các hoạt động phối hợp đạt kết quả cao.

Ngành học mầm non tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Các trường có tổ chức bán trú đã tổ chức, phối hợp tốt với các bậc cha mẹ trong công tác phòng, chống suy dinh dưỡng, thực hiện tốt vệ sinh, an toàn thực phẩm. Trong 5 năm qua toàn tỉnh không có trường hợp ngộ độc thức ăn xảy ra đối với các trường bán trú. Ngành đã thực hiện chương trình đổi mới giáo dục trẻ 5 tuổi và 3,4 tuổi. Với phương pháp chăm sóc, giáo dục nhẹ nhàng, linh hoạt đã giúp trẻ hứng thú trong học tập, sáng tạo trong các hoạt động, từng bước giúp trẻ tự tin khi đến trường, tạo điều kiện tốt cho việc chuẩn bị tâm thể trước khi vào lớp 1. Nếu năm học 2005-2006 toàn tỉnh có 18.463 cháu 5 tuổi đến lớp mẫu giảo, tỷ lệ 95% thì năm học 2009-2010 có 18.475 cháu 5 tuổi đến lớp mẫu giáo 99,3% trẻ 5 tuổi đến mẫu giáo, tăng 4,3% so với 5 năm trước. Riêng trẻ đến học tại các trường mầm non tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm từ 12,9% năm học 2005-2006 xuống còn 8,7% vào cuối năm học 2009-2010.

Giáo dục phổ thông tiếp tục được xem trọng. Ngành đã thực hiện có hiệu quả cuộc vận động Hai không nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục. Các đơn vị đã tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng học sinh đầu năm học một cách thực chất để tìm ra những biện pháp tốt hơn trong việc ổn định, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là đối với các huyện miền núi, các trường bán công, tư thục. Các trường đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời điều chỉnh những lệch lạc, yếu kém trong quản lý, điều hành các hoạt động nhà trường. Gắn chất lượng, kết quả học tập, rèn luyện của học sinh với trách nhiệm giáo viên trực tiếp giảng dạy

Các đơn vị giáo dục trong tỉnh thường xuyên vận động học sinh đến lớp, đã bố trí giáo viên có kinh nghiệm để giảng dạy học sinh yếu nhằm giúp các em nắm được kiến thức cũng như theo kịp chương trình. Sở Giáo dục và Đào tạo đã thành lập đoàn kiểm tra, hỗ trợ phương pháp giảng dạy, ôn tập và hướng dẫn tập trung vào những kiến thức cơ bản và chuẩn cho học học sinh lớp 12 các huyện miền núi nên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng tại các huyện miền núi nói riêng, của cả tỉnh nói chung có bước phát triển khá.

Năm học

2005-2006

Năm học

2006-2007

Năm học

2007-2008

Năm học

2008-2009

Năm học

2009-2010

14.322/14.646 thí sinh tốt nghiệp;

tỷ lệ 97,79%

10.095/ 15.815 thí sinh tốt nghiệp;

tỷ lệ 63,84%

12.009/ 17.794 thí sinh tốt nghiệp;

tỷ lệ 67,49%

12,590/ 17.155 thí sinh tốt nghiệp;

tỷ lệ 73,38%

17.596/18.282 thí sinh tốt nghiệp;

tỷ lệ 96,24%

Từ năm học 2005-2006 đến nay có 66.612/83612 học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông. , tỷ lệ bình quân 79,59%.

Tuy kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông có năm không đạt tỷ lệ bình quân chung cả nước song Quảng Ngãi là tỉnh có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng cao:

Năm 2005 2006 2007 2008 2009
Dự thi 22564 24362 24071 28042 27585
Trúng tuyển 3.810 4.589 6.273 8.294 10.201
Tỷ lệ 17% 19% 26% 30% 37%

Từ năm 2005 đến năm 2009, Quảng Ngãi có 33.167/ 126624 thí sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, tỷ lệ 26,2%.

Tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng năm 2010 chưa có kết quả tổng hợp, song Quảng Ngãi có 16/891 thí sinh cả nước đạt từ 27 điểm trở lên, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố; Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Khiết có 7 thí sinh, đứng vị trí thứ 28/300 trường có thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên.

Từ năm học 2005-2006 đến nay có 8.381 học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông tham gia dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia được khen thưởng.

Các đơn vị giáo dục trong tỉnh đã phối hợp tốt với các cơ quan chức năng giáo dục phòng chống tệ nạn xã hội, thực hiện an toàn giao thông…. Cho đến thời điểm báo cáo chưa phát hiện học sinh nghiện hút, tiêm chích ma tuý trong trường học.

Có được những kết quả đáng khích lệ trên nhờ nhiều yếu tố, trong đó việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã góp phần quan trọng.

2. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hoá, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống, lương tâm, tay nghề của nhà giáo; thông qua việc quản lý, phát triển đúng định hướng và có hiệu quả sự nghiệp giáo dục để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là mục tiêu quan trọng đã được cơ quan quản lý giáo dục các cấp quan tâm. Đây cũng là một trong những điều kiện không thể thiếu để góp phần ổn định, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Đội ngũ nhà giáo có tinh thần ham học, có ý thức vươn lên. Cùng với việc mỗi nhà giáo thường xuyên trau dồi đạo đức, không ngừng rèn luyện chuyên môn, cơ quan quản lý giáo dục các cấp đã tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ quản lý, giáo viên học tập, nâng cao trình độ nghiệp vụ cũng như chính trị, nhờ vậy chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục không ngừng được nâng lên về số lượng, chất lượng.

Năm học 2005-2006, giáo viên có trình độ đại học ở mầm non là 3, tiểu học: 140, trung học cơ sở 648.

Năm học 2009-2010, giáo viên có trình độ đại học ở mầm non là 164, tiểu học: 713, trung học cơ sở 1291.

Trong 5 năm qua đã có 1.554 cán bộ quản lý, giáo viên tham gia học tập dưới nhiều hình thức và đã tốt nghiệp đại học; có 711 cán bộ quản lý, giáo viên đang học đại học; ngoài ra có 1.581 giáo viên tiểu học, 239 giáo viên mầm non đã tốt nghiệp cao đẳng sư phạm.

Cùng với việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn, trong các năm qua dội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cũng đã tham gia học tập chính trị. Đến nay, toàn ngành có 17 đại học chính trị, 61 cao cấp chính trị và 371 tốt nghiệp trung cấp chính trị.

Ngành cũng đã thực hiện tốt việc bổ nhiệm, luân chuyển, cán bộ quản lý. Nâng cao chất lượng, năng lực quản lý là một trong những yếu tố tác động tích cực đến nâng cao chất lượng giáo dục. Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thực hiện công tác luân chuyển cán bộ trên địa bàn, cương quyết không bổ nhiệm lại nếu không đạt trình độ chuyên môn chuẩn của bậc học.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã thường xuyên có kế hoạch bổ sung cán bộ quản lý trường học cho những đơn vị còn thiếu, hoặc khi có người nghỉ hưu trên cơ sở cán bộ đã được quy hoạch, dự nguồn đảm bảo đúng tiêu chuẩn, quy trình theo quy chế của Trung ương. Cạnh đó, Sở đã thực hiện luân chuyển cán bộ quản lý với các đơn vị trực thuộc, đồng thời tăng cường cán bộ trẻ có năng lực ở cơ sở về các Phòng chức năng thuộc Sở nhờ vậy công tác tham mưu, điều hành các hoạt động liên quan có nhiều chuyển biến so với trước.

Có thể khẳng định, những năm qua, ngành đã tham mưu và xây dựng được đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ngày càng đông đảo, có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị tốt, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng được nâng cao. Đội ngũ này đã đáp ứng quan trọng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của địa phương và đất nước.

3. Phát triển giáo dục, đào tạo tại 6 huyện miền núi

Đồng bào các dân tộc sinh sống tại các huyện miền núi chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp. Các dịch vụ, thương mại tại nơi đây chưa thực sự phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Dù kinh tế còn khó khăn, giao thông chưa thực sự thuận lợi, hệ thống các trường bán trú chưa đều khắp song trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp của nhiều chương trình, mục tiêu quốc gia nên hệ thống trường, lớp học đều khắp; cơ sở vật chất trường, lớp học ngày càng được tăng cường, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ngày càng đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực tại đây.

Đến nay, tất cả các xã đều có trường, lớp mầm non, trường tiểu học, những nơi chưa đủ điều kiện thành lập trường trung học cơ sở thì tổ chức lớp trung học cơ sở trong trường tiểu học. Đến nay, tất cả các huyện miền núi đều có trường trung học cơ sở dân tộc nội trú, bình quân hàng năm có trên 1.000 học sinh theo học. Các huyện miền núi đều có trường trung học phổ thông, riêng huyện Ba Tơ có 2 trường, Sơn Hà có 2 trường trung học phổ thông và 1 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông (trường phổ thông nhiều cấp học).

Tại các huyện miền núi, hệ thống trường học không ngừng được hoàn thiện qua số liệu:

Năm học 2005-2006 Năm học 2009-2010
Mầm non Tiểu học Trung học cơ sở Trung học phổ thông Mầm non Tiểu học Trung học cơ sở Trung học phổ thông
25 63 27 5 60 67 45 9

Ngoài ra, năm học 2009-2010 có 17 trường phổ thông cơ sở (dạy tiểu học, trung học cơ sở)

Do điều kiện kinh tế, nhận thức nên chất lượng giáo dục các huyện miền núi không thể bằng các huyện, thành phố đồng bằng song đã có sự chuyển biến tích cực trong những năm gần đây.

Qua 5 năm, đã có 816 thí sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng/ 5.349 thí sinh tham gia dự thi, tỷ lệ 15,25%. Nếu năm 2005 chỉ có 9,76% thì đến năm 2009 đã có 18,64% thí sinh dự thi và trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, tăng 1,9 lần so với 5 năm trước.

Cùng với việc thi, trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, ngành cũng đã làm tốt công tác cử tuyển vào các trường đại học đào tạo nhân lực cho các huyện miền núi. 5 năm qua, đã có 354 học sinh được cử tuyển, trong đó có 269 học tại các trường đại học, 85 học tại các trường cao đẳng, trung học tại địa phương.

4. Những nhận xét chung

Trong 5 năm qua, giáo dục Quảng Ngãi đã có những bước phát triển tích cực. Điều này thể hiện qua các lĩnh vực:

Hệ thống giáo dục ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu giáo dục đặt ra.Việc đánh giá chất lượng giáo dục ngày càng đi vào nề nếp, toàn ngành đã có nhiều cố gắng khắc phục tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua đã đi vào ổn định với chất lượng ngày càng tốt hơn.

Toàn tỉnh đã hoàn thành công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Kết quả này tiếp tục được duy trì, ổn định và có chiều hướng phát triển tích cực. Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học, ngành học đã được chú trọng đúng mức, cơ quan quản lý giáo dục các cấp có nhiều chuyển biến mạnh, có quyết tâm đầu tư, xây dựng tạo tiền đề cho việc hoàn thành theo kế hoạch.

Năng lực, chất lượng, trình độ đội ngũ ngày càng được tăng cường. Tinh thần tự học, tham gia học tập nâng chuẩn đã có những chuyển biến ở tất cả các cấp học.

Tuy vậy, trong 5 năm qua, giáo dục tỉnh nhà vẫn còn những tồn tại cần tiếp tục khắc phục trong thời gian đến đó là:

Chất lượng giáo dục đại trà chưa thực sự ổn định, thiếu bền vững; tỷ lệ học sinh yếu vẫn còn cao, cần có những biện pháp đồng bộ, mạnh mẽ để khắc phục

Việc thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy chưa mạnh mẽ, chưa tạo được những chuyển biến quan trọng, có tác dụng đến nâng cao chất lượng.

Tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn, nhất là đối với học sinh học yếu, kém.

5. Những giải pháp đẩy mạnh giáo dục trong thời gian đến

Tăng cường tham mưu với Đảng ,của chính quyền các cấp cũng như đẩy mạnh sự phối hợp đồng bộ giữa giáo dục với các ngành, các cấp, các đoàn thể, của cha mẹ học sinh là điều kiện tiên quyết cho sự ổn định, phát triển của giáo dục tỉnh nhà.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện các quy định của ngành. Có các biện pháp chỉ đạo phù hợp đối với từng vùng, miền; chú trọng dạy học chuẩn kiến thức cho học sinh đối với vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh.

Hoàn thiện quy hoạch, phát triển trường, lớp học. Đẩy mạnh giáo dục không chính quy, tạo thuận lợi để mọi đối tượng có nhu cầu đều được học, học thường xuyên, suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Sử dụng đúng mọi nguồn kinh phí; đầu tư cần tập trung, có trọng điểm. Thực hiện công bằng trong giáo dục, có các biện pháp giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khó khăn có điều kiện tiếp tục được đến trường.

Thường xuyên và tạo những thuận lợi cơ bản để cán bộ quàn lý, giáo viên được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Quảng Ngãi đã và đang có thời cơ, vận hội mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp, sự hoạt động có hiệu quả của các sở, ban, ngành chức năng, đặc biệt sự đồng thuận cao của toàn xã hội, Giáo dục Quảng Ngãi sẽ phát triển đáp ứng yêu cầu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” trong thời cơ, vận hội mới của Quảng Ngãi nói riêng, cả nước nói chung.