Vượt qua rào cản tiếng Việt

Lượt xem:


DSC 0017Tiếng Việt với những học sinh mầm non, tiểu học là con em người đồng bào dân tộc thiểu số là một ngoại ngữ. Để giúp các em vượt qua rào cản này, phải trải qua một quá trình rèn luyện lâu dài, công phu.

Ấn tượng nhất là hôm dự Hội thi “Tiếng Việt của chúng em” cấp tiểu học được tổ chức tại Quảng trường Ba Tơ. Các em học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số đã làm tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

DSC 0051

Sau những tiết mục văn nghệ, nghi lễ chỉnh tề, các em bước vào các phần thi chào hỏi, kể chuyện, múa, hát, tiểu phẩm rất hay và rất đẹp. Sử dụng tiếng Việt sành sỏi, giao tiếp tự tin đã chứng tỏ sự trưởng thành vượt bậc trong công tác phổ cập tiếng Việt cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.

Để tìm hiểu “năng lực thật” của các em, chúng tôi đã lặn lội từ miền xuôi lên tham gia một buổi học của học sinh mầm non, tiểu học tại miền sơn cước xã Trà Giang (Trà Bồng).

Cô Thắm- giáo viên phụ trách lớp mẫu giáo 5 tuổi tại trường Mầm non xã Trà Giang cho biết: “100% học sinh ở đây là người dân tộc thiểu số trước khi đến trường chỉ nói tiếng mẹ đẻ nên dạy tiếng Việt cho các em gặp không ít khó khăn. Để học sinh tiếp thu được bài, chúng tôi phải rèn luyện cho các em rất nhiều”.

IMG 3530

Cô nói con “Trâu” thì trẻ nói là con “Châu”. Trẻ dân tộc thiểu số chịu nhiều thiệt thòi khi khả năng tiếp cận với thế giới bên ngoài còn hạn hẹp. Đồ dùng học tập đối với trẻ cũng thật là xa lạ, trẻ không hiểu hết ngôn ngữ tiếng Việt của cô.

Đầu tiên, cô giáo phải dạy cho các em những từ dễ hiểu đi đôi với hành động như: Chúng cháu chào cô ạ!, đứng lên, ngồi xuống, dạ không, dạ có…Dạy tiếng Việt với biện pháp trực quan hành động với đồ vật, biện pháp này dạy trẻ các từ mới như: Cây viết, cái bàn, cái ghế…

Giáo viên đứng lớp đã chú trọng dạy tiếng Việt dưới nhiều hình thức bằng cách lồng ghép dạy – nhìn – đọc – hiểu với từng đồ vật trực quan. Chẳng hạn như cô cho trẻ xem tranh “Em bé tập thể dục” rồi cho trẻ đọc từ: Tập thể dục…

Giáo viên bậc học mầm non có gắng một thì giáo viên lớp 1 phải cố gắng đến 10. Trước kia, môi trường mẫu giáo thường không quá gò bó bé trẻ mặt kiến thức. Nhưng đến môi trường tiểu học, đặc biệt là vào lớp 1, lượng kiến thức của trẻ phải lĩnh hội nhiều hơn, trẻ phải học cách để nhớ bảng chữ cái, cách để cộng trừ…

Chính vì có sự khác biệt thế, những năm qua, các trường tiểu học ở miền núi đã chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, tăng cường số tiết dạy lên đến 500 tiết để giúp học sinh lớp 1 nắm bắt được tiếng Việt và nội dung học tập. Nhà trường phân công những giáo viên đảm nhận dạy học sinh lớp 1 là những người có tâm huyết và kiến thức chuyên môn giỏi.

Các trường đã vận động giáo viên dạy phụ đạo thêm cho học sinh vào buổi chiều, dạy phụ đạo trên tinh thần “miễn phí” nhưng giáo viên nào cũng nhiệt tình. Không chỉ dạy trong sách giáo khoa, giáo viên còn dùng máy chiếu, sử dụng nguồn tư liệu lấy trên Internet để giúp các em có cái nhìn trực quan, sinh động

Thầy Trương Quang Kỳ- Hiệu trưởng Trường TH&THCS Trà Giang tâm sự: Nhà trường quyết liệt ngay từ khi bước vào lớp 1, giáo viên vào lớp không được giao tiếp bằng tiếng bản xứ. Song với việc dạy và học, nhà trường còn tổ chức các hoạt động vui chơi ngoài giờ để các em dễ nắm bắt, tạo nền móng cho các em.

Mặc dù đội ngũ cán bộ giáo viên đã có nhiều cố gắng và rất tâm huyết, nhờ đó chất lượng dạy và học tiếng Việt ở các trường miền núi tăng lên. Dẫu vậy chất lượng giáo dục ở trường có đông học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa cao.

Thầy Đặng Phiên- Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT chia sẻ: Để nâng cao chất lượng dạy học ở các địa phương miền núi, mong muốn của chúng tôi là có đầy đủ cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học.

Không những cần thiết phải phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi mà nên nhận trẻ vào trường mầm non từ khi lên 3 tuổi. Bởi tuổi mầm non trẻ mới bắt đầu trong quá trình học nói, chính vì vậy mà cung cấp vốn Tiếng việt cho trẻ dân tộc thiểu số là vô cùng quan trọng. Một khi các em tiếp xúc và nói được tiếng phổ thông thì quá trình học lớp 1 sẽ nắm bắt được nội dung, học nhanh và hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: Ái Kiều