Đào tạo hệ cử tuyển phải gắn với nhu cầu sử dụng của địa phương
Lượt xem:
Theo báo cáo giám sát của HĐND tỉnh, hiện nay, Quảng Ngãi có 206 em đào tạo hệ cử tuyển đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng sẽ tốt nghiệp trong thời gian tới. Việc bố trí sắp xếp tuyển dụng cũng là một vấn đề nan giải đối với các cơ quan chức năng và UBND các huyện miền núi.
Trong giai đoạn 2008-2014, chỉ tiêu tuyển sinh hệ cử tuyển được Bộ GD&ĐT phân bổ cho tỉnh là 446 học sinh. Trong giai đoạn này, UBND tỉnh cử đi học bậc đại học 370 học sinh, bậc cao đẳng 57 học sinh, đạt tỷ lệ 95.74% chỉ tiêu được giao. Tính đến cuối tháng 10/2014, số người được phân công công tác là 166 người (kể cả hợp đồng).
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2008-2014, quá trình tuyển sinh được tiến hành công khai, minh bạch, đảm bảo công bằng, dân chủ, đúng quy trình, bám sát các văn bản hướng dẫn của cấp trên quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, vùng tuyển, thứ tự ưu tiên trong xét tuyển.
Phần lớn số cán bộ được đào tạo thông qua chế độ cử tuyển đều đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nhiều người đã trưởng thành và giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan nhà nước cấp huyện, xã.
Tuy nhiên, công tác bố trí, sắp xếp việc làm đối với học sinh cử tuyển cũng gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do các địa phương thực hiện việc cử tuyển chưa gắn kết với nhu cầu sử dụng sau khi tốt nghiệp, chưa xây dựng được kế hoạch đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương, cũng như kế hoạch sử dụng sau đào tạo.
Chủ trì Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị định 134/2006/NĐ-CP về công tác đào tạo hệ cử tuyển, giai đoạn 2008-2014, ngày 26/12, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích cho rằng, mặc dù đạt được những thành tựu nhất định trong việc thực hiện chế độ cử tuyển, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập và yếu kém mà các cơ quan, đơn vị liên quan cần quyết tâm khắc phục trong thời gian tới như chất lượng tuyển sinh đầu vào thấp; chưa có quy hoạch đào tạo cán bộ cho từng huyện, từng dân tộc, từng địa bàn; số lượng học sinh cử tuyển không theo nhu cầu thực tế…
Quang cảnh hội nghị
Trong thời gian đến, Phó Chủ tịch yêu cầu các địa phương căn cứ vào nhu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội, chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo; chú ý đến cơ cấu ngành nghề đào tạo, số lượng đào tạo ở từng trường ĐH, CĐ và cơ cấu thành phần các dân tộc thiểu số chưa có hoặc có rất ít cán bộ được đào tạo ở trình độ đại học, cao đẳng; đồng thời, kế hoạch đào tạo phải gắn liền với nhu cầu sử dụng cán bộ của từng địa phương.
Phó Chủ tịch yêu cầu UBND các huyện miền núi thống kê lại toàn bộ số học sinh cử tuyển, bao gồm số đã tốt nghiệp, số bỏ học, số đã tìm được việc làm… từ đó tổng hợp số sinh viên cần giải quyết việc làm từ nay đến năm 2020, báo cáo Sở GD và ĐT và các ban ngành liên quan tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Minh Thiện