Phổ cập Giáo dục tiểu học đúng độ tuổi của tỉnh Quảng Ngãi đã về đến đích

Lượt xem:


Tháng 10, năm 1997, Quảng Ngãi đã được Nhà nước công nhận đơn vị đạt chuẩn Quốc gia về Phổ cập Giáo dục tiểu học – Chống mù chữ (PCGDTH-CMC), từ đó đến nay tỉnh vẫn duy trì được chuẩn PCGDTH –CMC và tiếp tục thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.

phocapgiaoduc

11 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi không ngừng khắc phục mọi khó khăn để thực hiện mục tiêu của phổ cập giáo dục nhằm góp phần nâng cao mặt bằng dân trí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều cố gắng trong việc đầu tư cơ sở sở vật chất trường lớp theo các phong trào “xoá ba ca”, “xoá tranh tre nứa lá”, thực hiện chương trình “kiên cố hoá trường lớp học”, chú trọng việc xây dựng các phòng học cho tiểu học ở các điểm trường lẻ của các huyện miền núi. Tỉnh đã đầu tư nguồn kinh phí thích đáng cho việc trang bị sách giáo khoa, sách giáo viên và trang thiết bị phụ vụ tốt cho việc dạy học.

Tính đến thời điểm tháng 12 năm 2008, tỉnh Quảng Ngãi có 17.767/17.862 trẻ em 6 tuổi vào học lớp 1, đạt tỷ lệ 99,47%; 21.009/22.684 trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học, đạt tỷ lệ 92,61%; 1654/22684 trẻ 11 tuổi đang học ở tiểu học, tỷ lệ 7,29%.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng không ngừng tăng lên, đáp ứng được nhu cầu phát triển của giáo dục, nhất là ở các huyện miền núi. Bậc tiểu học có 5083 giáo viên, trong đó có 470 giáo viên có trình độ đại học, tỷ lệ 9,24%; 1287 giáo viên có trình độ cao đẳng, tỷ lệ 25,31%; 3.315 giáo viên có trình độ chuẩn, tỷ lệ 65,22%; giáo viên/lớp đạt tỷ lệ 1,32.

Toàn tỉnh có 237 trường tiểu học với 3.828 lớp, khoảng cách các điểm trường trong từng địa phương đảm bảo theo quy định, tạo điều kiện cho tất cả học sinh trong độ tuổi đến trường thuận lợi. Ngoài ra, còn có 01 trường chuyên biệt, giảng dạy chương trình tiểu học cho học sinh khuyết tật. Tổng số phòng học hiện có là 3.212, trong đó có 1.253 phòng kiên cố, tỷ lệ 39%; 1.698 phòng cấp 4, tỷ lệ 52,89%; số lớp/ phòng học đạt tỷ lệ 1,19. Có 108/237 thư viện đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đạt tỷ lệ 45,56%; đặc biệt là từ năm 1999 đến nay, Quảng Ngãi đã xây dựng được 87 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 36,7%.

Có 170 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, tỷ lệ 94,44%, có 12/14 huyện đạt chuẩn, tỷ lệ 85,71%.

Việc triển khai thực hiện chương trình tiểu học được thực hiện đồng bộ theo hướng dẫn hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhất là triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Ngoài ra, các trường tiểu học còn chú trọng đến việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, dạy học hơn 5 buổi/tuần nhằm nâng cao chất lượng học tập của học sinh và triển khai môn tự chọn tiếng Anh ở tiểu học.

Quảng Ngãi còn tham gia “Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”; Dự án đã giúp đỡ xây dựng được 79 điểm trường lẻ với nhiều phòng học kiên cố, phòng giáo viên, nhà vệ sinh cho học sinh và giáo viên; hỗ trợ kinh phí thực hiện mức chất lượng tối thiểu và kinh phí quỹ hỗ trợ điểm trường nhằm hạn chế học sinh bỏ học. Tổ chức các lớp “Chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước khi đến trường” và tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc. Tranh thủ các nguồn lực xã hội để hỗ trợ giáo dục tiểu học trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, khuyến học, cấp học bổng cho học sinh, hỗ trợ đồ dùng dạy học, động viên và huy động trẻ ra lớp, chống bỏ học ở tiểu học.

Với những kết quả đã đạt được, Đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Tiến sĩ Phạm Ngọc Định, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học làm trưởng đoàn đã ký biên bản công nhận Quảng Ngãi đạt chuẩn Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi vào thời điểm tháng 12 năm 2008.

Đây là một trong những sự kiện nổi bật của tỉnh trong năm 2009, bởi lẽ nó ghi nhận sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân Quảng Ngãi trong việc kiên trì thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục, trong đó có phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.

Bài học của sự thành công, đó là sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và đã được cụ thể hóa bằng các chỉ thị, nghị quyết, đề án phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao của các sở, ban, ngành, đoàn thể, trong đó Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Ban Dân tộc Miền núi, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Khuyến học, Hội Nông dân, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, xã phường, thị trấn, các phòng giáo dục và đào tạo có vai trò hết sức quan trọng.

Điều khẳng định là phổ cập giáo dục phải mang tính xã hội hóa cao độ, trong đó, ngành giáo dục phải làm tốt công tác tham mưu và phối hợp, làm tốt công tác điều tra, kiểm tra, đánh giá, tổ chức dạy học và duy trì sĩ số một cách vững chắc. Tuy nhiên, nếu đơn phương thì ngành giáo dục nhất định không thể hoàn thành được nhiệm vụ mà phải có sự cộng đồng trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng đội ngũ, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học, thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục, khuyến tài, khuyến học, chống lưu ban, bỏ học …

Được công nhận phổ cập giáo dục tiểu đúng độ tuổi là điều đáng mừng song giữ được chuẩn phổ cập trong thời gian đến là điều đáng lo. Bởi vậy, nhiệm vụ ở phía trước vẫn còn khá nặng nề, trước hết là không tạo ra sự thỏa mãn, chủ quan, phải xác định đây là nhiệm vụ trung tâm xuyên suốt trong mọi thời điểm; phải tiếp tục tổ chức điều tra, bổ sung, cập nhật số liệu về phổ cập giáo dục tiểu học hàng năm; phải huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi ra lớp và học xong chương trình tiểu học; xây dựng các giải pháp chống lưu ban, bỏ học, nâng cao chất lượng đội ngũ; thực hiện có hiệu quả chương trình tiểu học ở tất cả các vùng, miền; thực hiện chuẩn kiến thức và kỹ năng các môn học ở tiểu học, tăng cường việc dạy tiếng Anh cho bậc tiểu học; tiếp tục đẩy mạnh chương trình kiên cố hóa trường lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học, sách giáo khoa, sách giáo viên để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của người học, người dạy; nâng cao tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày; mở rộng và nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia và thư viện đạt chuẩn; thực hiện tốt hơn nữa công tác phối hợp chặt chẽ và sự chỉ đạo thống nhất để chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi của tỉnh Quảng Ngãi được duy trì một cách bền vững.